Về hội Đền Hùng tìm Miếu Lãi Lèn nghe hát xoan

Đông đảo người dân và du khách đã tìm về Miếu Lãi Lèn, xã kim Đức, Việt Trì, Phú Thọ để nghe hát xoan trong đêm trước Lễ hội Đền Hùng.
Đông đảo người dân và du khách đã tìm về Miếu Lãi Lèn, xã kim Đức, Việt Trì, Phú Thọ để nghe hát xoan trong đêm trước Lễ hội Đền Hùng. Rộn ràng điệu xoan Trong không gian mờ ảo của những làn khói nhang với ánh điện của Miếu Lãi Lèn, màn giáo trống, giáo pháo  rộn ràng của phường xoan Phù Đức và phường xoan Kim Đới mở đầu cho đêm diễn đã làm bừng sáng nhiều ánh mắt của người xem ở đủ các lứa tuổi. Đêm hát xoan bỗng nhiên trở nên sâu lắng khi tiết mục thơ nhang của phường Xoan Thét cất lên đầy thành kính: “Kính lại chiềng làng/ Nghe tôi thơ nhang/ Hòa cho biết ý/ Nhang này nhang thịnh/ Có quế có đơn/ Mở tiệc cầu ơn/ Lấy nhang làm trước/ Thơ thơ lục lục/ Lấy nhạc làm thơ/ Trước tôi đọc thơ/ Sau tôi múa nhạc/ Chúc Thánh mừng Vua Kim Phượng Hoàng lên ngôi chúa trị.” Nếu như lời ca khẩn nguyện và thỉnh mời vua cùng các thần linh giáng tọa, ban phúc cho dân làng trong thơ nhang thì tiết mục đóng đám của phường xoan Phù Đức lại thay lời xin phép vua và các vị thần linh cho con dân được vào hội hát. Khi phần hát cách bắt đầu cũng là lúc những người lần đầu xem hát đã hiểu được phần nào nghệ thuật hát xoan, còn những người đã biết về nghệ thuật này thì hồi hộp chờ xem sự trổ tài của các nghệ nhân bởi đây được coi là trọng tâm của cuộc hát. Giữa không khí linh thiêng của Miếu Lãi Lèn, khách chợt phấn chấn với tiết mục nhàn ngâm cách của phường xoan Kim Đới. Các đào xoan thướt tha trong những điệu múa mềm mại, miêu tả cô thôn nữ đi chơi xuân cùng với lời hát ngọt ngào: “Nhàn ngâm một cách/ Bia truyền cổ tích/ Có con gái lành/ Đi chơi một mình…” Bất chợt, người xem như nhìn thấy những đoàn thuyền nườm nượp nối đuôi nhau đi đánh bắt cá qua điệu múa diễn tả chèo thuyền đầy sinh động và lời ca khỏe khoắn của phường xoan Kim Đới: “Hồ là vậy ơi hồ là vậy/ U... ơ… hồ là dô à lên vậy/ Ấy hê là thời hê/ Là nưa mái hê là dô lên vậy” (tiết mục thuyền chèo cách). Có thể nói, dù hát xoan không nhiều những động tác múa, lời ca nghe cũng không thật sự “thuận tai” như các điệu dân ca khác nhưng các ca, kép xoan đã khéo phối hợp nhịp nhàng các điệu múa, lời ca và tiếng trống con để làm nên những tiết mục hát xoan ấn tượng, góp vui cho ngày hội. Cần đầu tư cho con người Theo ông Đặng Đình Thuận, Phó Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ, sau khi được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, hát xoan Phú Thọ đã có một vị thế mới về mặt tinh thần trên vùng đất Tổ. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy di sản hát xoan còn gặp nhiều khó khăn. Đến nay, những “báu vật sống” của hát xoan đều đã cao tuổi. Thời gian của họ không còn nhiều, những người trẻ thì ít biết hoặc biết không đầy đủ về hát xoan. Bên cạnh đó, hiện nay, các cửa đình đang bị mai một, xuống cấp trong khi hát xoan là một lối hát thờ, hát nghi lễ phục vụ cho tín ngưỡng nên phải hát tại các đình. Theo ông Thuận, để bảo tồn được hát xoan, trước hết các ngành, các cấp phải quan tâm đến các nghệ nhân, đầu tư kinh phí để động viên, cổ vũ kịp thời những nghệ nhân cao tuổi và những người có đóng cống hiến cho hát xoan. Bên cạnh đó, ông Thuận cũng đặt ra vấn đề tận dụng quỹ thời gian những “báu vật sống” của các phường xoan, tạo điều kiện thuận lợi để họ mở lớp truyền dạy nghệ thuật hát xoan cho các thế hệ trẻ đồng thời các hội viên tham gia lớp truyền dạy cũng cần quan tâm bồi dưỡng. Song song với việc đầu tư vào con người, ông Thuận cũng cho rằng, cần thiết có sự đầu tư của các cấp, các ngành để khôi phục những đình, miếu đã xuống cấp, tạo không gian cho diễn xướng hát xoan. Theo ông Thuận, để đến năm 2015 có thể đưa hát xoan ra khỏi danh mục cần được bảo vệ khẩn cấp thì cần sự vào cuộc một cách ráo riết của các cấp, các ngành Phú Thọ cũng như của trung ương. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát xoan cần được cụ thể hóa bằng các đề án, dự án. Bên cạnh đó, ông Thuận cũng khẳng định, sau khi được UNESSCO công nhận hát xoan là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã tổ chức lễ vinh danh trong đó có vinh danh các nghệ nhân hát xoan, các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho quá trình bảo tồn và phát huy di sản này. Điều đáng mừng hơn, người dân đất Tổ đã nhận thức được tầm quan trọng của hát xoan nên họ tự giác tham gia các lớp truyền dạy hát xoan để cố gắng tạo ra sức sống mới cho di sản này. Đến nay, ngoài 4 phường xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và phường xoan Thét thì Phú Thọ còn có hơn 20 câu lạc bộ hát xoan, tăng hơn so với những năm trước./.
Buổi biểu diễn hát xoan cổ diễn ra tại Miếu Lãi Lèn, vào tối ngày 25/3 (tức ngày 04/3 Âm lịch) là một hoạt động nằm trong chương trình giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng 2012.

Tham gia buổi diễn có các ca, kép xoan của 3 phường xoan: Phù Đức, Thét và Kim Đới.

Hát xoan là dân ca nghi lễ phong tục, hát trước của đình trong lễ hội mùa xuân. Đây là một hình thức nghệ thuật đa yếu tố với nhạc, hát, múa nằm trong trò diễn hội làng nên còn được gọi là diễn xướng xoan. Trong đó, nhạc chỉ là một chiếc trống con.

Một cuộc trình diễn hát xoan chính thức gồm ba chặng hát: Hát thờ, hát cách và hát hội.
Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục