Về lại căn cứ cách mạng

Về lại căn cứ cách mạng trên quê hương đất Tổ

Căn cứ cách mạng thời kỳ chống pháp trên quê hương đất Tổ (Phú Thọ) đã và đang đổi thay rất nhiều, cuộc sống mới no ấm, đầy đủ hơn.
Trong những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp về những xã căn cứ cách mạng thời kỳ chống pháp trên quê hương đất Tổ (Phú Thọ).

67 năm đã trôi qua, ký ức một thời hào hùng năm xưa như đang ùa về trong câu chuyện của các cán bộ lão thành cách mạng năm 1945. Hòa bình lặp lại, vùng căn cứ địa cách mạng đã và đang đổi thay rất nhiều, cuộc sống mới no ấm, đầy đủ đã đến với từng hộ đồng bào dân tộc nơi đây.

Ký ức hào hùng

Trên con đường bêtông trải dài xen giữa những nương chè, đồi keo xanh ngát, chúng tôi đến xã Cự Thắng, một trong sáu xã an toàn khu thời kháng chiến chống thực dân Pháp của huyện Thanh Sơn.

Ông Đinh Xuân Quy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, cán bộ lão thành cách mạng đã kể về một thời kỳ oanh liệt của Cự Thắng: Những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945, khí thế cách mạng rất tưng bừng, bà con các dân tộc quyết tâm một lòng theo Bác, theo cách mạng.

Năm 1947, Chi bộ xã Cự Thắng được tách ra từ Đảng bộ Hưng Thắng với 31 đảng viên do ông Đinh Văn Chu làm Bí thư. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống cách mạng tiến công, tinh thần yêu nước nồng nàn, nhân dân xã Cự Thắng đã không ngại hy sinh, gian khổ, ngày đêm tổ chức lao động sản xuất, tiếp tế lương thực, vận chuyển vũ khí, chuẩn bị cho quân và dân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Hòa Bình.

Năm 1960, trên ngọn núi đá Cự Thắng, Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng khu căn cứ dự phòng (gọi là công trình 60) cho cơ quan chỉ huy của Bộ Quốc phòng trong những tình huống đặc biệt...

Trong căn nhà đơn sơ, nhâm nhi chén nước chè đặc quánh, chốc chốc ông Quy lại lấy khăn lau những giọt nước mắt, ông tiếp tục kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cảm động đã được ghi dấu trong lịch sử: tối 11/7/1972 người dân nghe tin có một con Hổ què chân vào xã, người dân cần đóng cửa, không ai được ra ngoài. Thế là cả xã chìm trong bóng tối, tắt đèn đi ngủ. Quanh khu vực hang núi đá được bảo vệ nghiêm ngặt, không một người dân nào được đến gần. “Mãi sau này, cho đến tận bây giờ người dân trong xã mới biết đó là thi hài của Bác được đưa từ Đá Chông (Ba Vì) về đây để bảo vệ," ông Quy cho biết.

Chia tay Cự Thắng, chúng tôi về Địch Quả. Ông Hà Kim Đinh, một cán bộ lão thành cách mạng, cho biết ngày 15/10/1948 tại nhà ông Đinh Tuần (xóm Cú, xã Mỹ Thuận, huyện Thanh Sơn (nay là huyện Tân Sơn)), chi bộ Đại Thu đã họp và công bố quyết định của cấp trên cho tách chi bộ Đại Thu thành hai chi bộ độc lập là Thu Ngạc và Đại La (Địch Quả) với 11 đảng viên do ông Đinh Viết Nhân làm bí thư.

Từ đây dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của chi bộ, nhân dân Địch Quả càng tin tưởng, vững tâm hơn vào chủ trương, đường lối kháng chiến của Đảng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, củng cố chính quyền, thành lập thôn xóm tự sản xuất, đội dân quân du kích, thanh niên, phụ nữ, nông dân cứu quốc với mặt trận Việt Minh tham gia sản xuất và chiến đấu.

Cuối tháng 9/1951, giặc Pháp ném bom xuống nhiều vị trí quan trọng của huyện nhằm phá hoại các cơ sở kinh tế, ngăn cản đường tiếp tế của ta ra mặt trận. Đến tháng 6/1952, máy bay của địch thả một toán biệt kích xuống Đồng Cứu, sau đó chúng lần đường ra Ngòi Lạn. Đội du kích đã phát hiện, bao vây, bắt gọn bốn tên, thu được toàn bộ vũ khí, một bộ điện đài và một bản sơ đồ huyện Thanh Sơn.

Đến năm 1953, xã Địch Quả đã huy động hàng trăm dân công vượt đèo, lội suối vận chuyển lương thực, đạn dược, mở đường Sơn La, Nghĩa Lộ (Yên Bái)..., góp phần cùng nhân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đến ngày toàn thắng.

Vững bước đi lên, xây dựng nông thôn mới


Chiến tranh đi qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước bức tranh về kinh tế, văn hóa, xã hội ở những xã cách mạng trên quê hương đất Tổ (Phú Thọ) đã có sự thay đổi đáng kể, đời sống nhân dân ngày được nâng lên.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cự Thắng cho biết bài toán phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trong những năm qua được Đảng bộ, chính quyền xã Cự Thắng giải đáp bằng nhiều quyết sách đúng đắn, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế như tăng hệ số sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Xã chủ trương nâng diện tích đất canh tác, vận dụng có hiệu quả các mô hình kinh tế đồi rừng, tạo điều kiện thuận lợi cho một số cơ sở sơ chế biến nông, lâm nghiệp… Các giống lúa lai năng suất, chất lượng cao đã được gieo trồng thay thế hầu hết những giống lúa địa phương, với năng suất trung bình đạt từ 60tạ/ha/vụ; thu nhập bình quân đạt 10 triệu đồng/người/năm..., góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 68% năm 2005, xuống còn 20% hiện nay (theo chuẩn mới).

Đặc biệt, thông qua các chương trình, dự án của Đảng và Nhà nước, Cự Thắng đã được đầu tư hàng tỷ đồng cho các công trình điện-đường-trường-trạm và hệ thống các phai, đập, kênh mương thủy lợi. Nhờ đó, 100% các em được đến trường học tập, các chính sách hỗ trợ như học phí được miễn, giảm, đặc biệt trường tiểu học cơ sở và trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia năm 2009; 100% khu dân cư có điện lưới quốc gia.

Ông Hùng cho biết thêm Cự Thắng là xã được huyện Thanh Sơn chọn làm điểm để xây dựng nông thôn mới. Hiện Cự Thắng đã đạt 7/19 tiêu chí, hai tiêu chí sắp đạt. Bản người Dao Xuân Thắng, là một trong những bản đặc biệt khó khăn của xã cũng đang được huyện đầu tư nâng cấp đường từ trung tâm xã (tỉnh lộ 316) qua địa bàn Xuân Thắng đi Võ Miếu với tổng kinh phí 30 tỷ đồng... Đây sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để đưa Cự Thắng phát triển toàn diện trong giai đoạn từ nay đến năm 2015.

Còn ông Hà Văn Thái, Bí thư Đảng ủy xã Địch Quả, cho biết trong những năm tới, Đảng bộ và nhân dân xã Địch Quả tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trước mắt, xã tập trung phát triển cây chè, cây lấy gỗ và trồng cây nguyên liệu. Phấn đấu đến năm 2015, toàn xã có 200ha chè, hướng tới phát triển chè sạch, đồng thời xây dựng thương hiệu chè Địch Quả và 500ha cây lấy gỗ (sinh lời cao). Xã tập trung chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau an toàn từ 20% đến 25%; tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm, phấn đấu trồng 15ha vào năm 2015…

Các công trình đường, trường, trạm tiếp tục đầu tư xây dựng. Xã phấn đấu đến năm 2013, các trường mầm non, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15% hiện nay xuống còn 5% vào năm 2015, đồng thời đạt chuẩn nông thôn mới.

Chia tay những vùng quê cách mạng oai hùng khi mặt trời đang dần khuất sau những đồi rừng xanh ngút. Những em học sinh đang tíu tít về nhà, là minh chứng cho một vùng quê đồi chè đang thay da đổi thịt. Niềm vui hiện trên từng gương mặt, ánh mắt của người dân nơi đây./.

Tạ Văn Toàn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục