Về nơi "tột cùng nỗi đau" sau bão tại Quảng Bình

Chỉ 5 giờ càn quét, cơn bão số 10 đã khiến hàng chục nghìn người dân ở tỉnh Quảng Bình trắng tay, rơi vào cảnh màn trời chiếu đất...
345 ngôi nhà bị sập, 156.517 ngôi nhà bị tốc mái, hàng trăm tàu thuyền bị sóng đánh chìm, gần 12.000/18.000ha cao su bị gãy đổ... với tổng giá trị thiệt hại lên đến hơn 4.500 tỷ đồng là thống kê sơ bộ hậu quả của cơn bão số 10 gây ra ở tỉnh Quảng Bình. Chỉ khoảng 5 giờ càn quét, cơn bão số 10 đã khiến hàng chục nghìn người dân ở tỉnh Quảng Bình trắng tay, rơi vào cảnh màn trời chiếu đất... Trong không khí hanh hao như giả, như thật, chúng tôi đã băng về những miền quê ở Quảng Bình. Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đang từng ngày khởi sắc, vậy mà chỉ sau một buổi chiều, nhiều người bỗng rơi xuống tận cùng nỗi khổ đau. Nước mắt "mủ cao su" Huyện Bố Trạch được coi là thủ phủ, là thiên đường cao su ở tỉnh Quảng Bình. Trên đường Hồ Chí Minh ra Bắc hay vào Nam, mỗi khi ngang qua đây ai cũng thấy mát lòng, mát dạ trước một màu xanh trải dài của bạt ngàn cao su. Cũng nhờ dòng sữa trắng của cây cao su mà ở đây nhiều làng quê được gọi với cái tên thân mật "làng triệu phú". Vậy mà, chỉ trong một buổi chiều khi cơn bão số 10 tràn qua, tất cả các vườn cao su bị phạt gãy ngang thân gọn gàng như vừa trải qua một trận ném bom của B52... Khi gặp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Ngọc Bé, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Việt Trung đã khóc vật vã như đứa trẻ lên ba. Chị Bé khóc vì vườn cao su 2,5 ha nhận khoán của công ty bị bão phạt ngang không sót cây nào. Chị nói trong tiếng nấc: "Cả công ty tôi sống nhờ vào cao su, bây giờ tất cả đều bị bão tàn phá tan hoang rồi thì biết sống sao đây?" Cũng trong tình cảnh tương tự, chị Nguyễn Thị Yến Nhi sống ở Tiểu khu Xung Kích, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch dẫn chúng tôi ra giữa vườn cao su của chị rồi đứng ngơ ngác không nói được câu gì. Chị không khóc được nữa, tất cả nước mắt đã chảy tràn hết rồi khi chứng kiến công lao 7 năm trời đằng đẵng của hai vợ chồng giờ đã "xuống sông, xuống bể." Anh Bàng - chồng chị Nhi tâm sự thời gian tới cuộc sống chắc sẽ còn khó khăn hơn nhiều vì diện tích giao khoán cao su của Công ty Việt Trung cho hai vợ chồng cũng bị bão đánh ngã. "Chắc tôi phải tính chuyện cho con nghỉ học," anh Bàng nghẹn ngào. Chia tay vợ chồng chị Nhi, chúng tôi phóng xe dọc đường Hồ Chí Minh qua huyện Bố Trạch và đi sâu vào các con đường nội vùng "thiên đường cao su" mới thấy toàn cảnh đổ nát đến không tưởng. Hình ảnh bé Lan, 9 tuổi, con chị Nhi với anh Bàng cứ ám ảnh chúng tôi cùng với câu hỏi mà chẳng ai trả lời ngay trong lúc đau thương này: "Mẹ ơi, khó thế này nhưng vẫn cho con đi học chứ?"
Màn trời chiếu đất
Theo chân đoàn xe cứu trợ của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình, chúng tôi đến thăm các gia đình bị thiệt nặng sau cơn bão số 10 tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Cảnh tượng tiêu điều, tan hoang của các thôn xóm xã bãi ngang này khiến ai trong đoàn cũng đều sững người và không khỏi xót xa. Xã Hải Ninh có 1.200 hộ, trên 5.400 nhân khẩu, với hơn 3.000 lao động, trong đó 60% số lao động tham gia đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản và các ngành nghề chăn nuôi trồng trọt. Hải Ninh bao năm qua vẫn được coi là một vùng bãi ngang nghèo khó nhất nhì của tỉnh Quảng Bình. Bão số 10 làm tốc mái, gây sập đổ 100% ngôi nhà ở đây, đẩy người dân lâm vào cảnh khó khăn, nhiều người phải chịu cảnh "màn trời chiếu đất." Đang thẩn thờ trước ngôi nhà đổ sập do bão, thấy đoàn cứu trợ đến thăm, chị Trương Thị Loan ở thôn Hiển Trung, xã Hải Ninh chẳng nói được lời nào đã tức tưởi khóc. Chồng mất sớm, chị thay chồng nuôi 3 con thơ, trong đó có một cháu chấn thương sọ não nằm liệt trên giường. Cảm thông hoàn cảnh của chị, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình Cao Quang Cảnh chẳng biết nói gì hơn ngoài lời động viên và gửi tới gia đình chị gói quà chất chứa tình cảm và sự sẽ chia của cộng đồng. Đến thăm gia đình cụ ông Hoàng Văn Ngặt (80 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hồi (77 tuổi) ở thôn Cừa Thôn, các thành viên trong đoàn cứu trợ lặng người, xót xa. Ngôi nhà cấp 4 giờ chỉ còn trơ bộ khung, toàn bộ mái ngói đã bị bão số 10 đánh sập, bốn bức tường cũng chỉ còn là những đóng vôi vữa.
Về nơi "tột cùng nỗi đau" sau bão tại Quảng Bình ảnh 1
Đoàn cứu trợ thăm một gia đình bị thiệt hại vì bão số 10.
Cụ ông Hoàng Văn Ngặt chưa khỏi bàng hoàng khi kể cho chúng tôi về giờ phút gió bão đánh phá ngôi nhà: “Chứng kiến cảnh bão số 10, tôi thấy ngang ngửa như cái thời Mỹ rải bom. Quá khủng khiếp và kinh hoàng.” "Gượng dậy đi Quảng Bình" rất nhiều người thích câu nói này bởi qua bao gian khổ trong chiến tranh và tận đến bây giờ những con người chịu thương, chịu khó nơi vùng quê còn nhiều khó khăn này đều biết nỗ lực vươn lên. Trong buổi họp khẩn sau bão vào sáng 1/10, để thực hiện quyết tâm khắc phục hậu quả, đưa người dân sớm ổn định lại cuộc sống, tiếp tục lao động, sản xuất, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đã rơi nước mắt quán triệt cán bộ, đảng viên, lãnh đạo các cơ quan đoàn thể hãy hết sức mình vì dân và trước hết phải cố gắng khắc phục hậu quả bằng tất cả ý chí và nghị lực của mình... Hiện nay, hàng chục đoàn cán bộ, hàng ngàn đảng viên, cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân, Bộ chỉ huy Quân sự, Bộ chỉ huy Biên phòng đã về với các vùng quê bị bão tàn phá để giúp nhân dân khắc phục hậu quả. Chia tay với vùng tâm bão, chúng tôi bỗng nghẹn lòng nhớ đến hai câu trong bài "Mười quả trứng" mà cụ Ngặt đã đọc “Chớ than phận khó ai ơi, còn da lông mộc còn chồi nảy cây"... Trong hoàn cảnh nội lực còn yếu lại chịu hậu quả nặng nề của trên siêu bão, hơn lúc nào hết nhân dân Quảng Bình rất cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội để vượt qua những khó khăn này./.
Dung Thọ Thành (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục