Về rừng bảo tồn Kim Hỷ xem gỗ quý bị "xẻ thịt"

Những con đường mòn nhiều đá tai mèo lởm chởm trước đây đã bị dấu chân lăm tặc mài nhẵn, những cây nghiến đường kính từ 60 - 80cm đã bị chặt hạ và xẻ bừa bãi.
Phóng viên TTXVN tại Bắc Kạn đã vào rừng nghiến Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ thuộc địa phận xã Ân Tình, huyện Na Rì và thật sự ngạc nghiên trước sức tàn phá của lâm tặc: Những cây nghiến đường kính từ 60 - 80cm đã bị chặt hạ và xẻ bừa bãi.

Đi tiếp từ khu rừng thuộc thôn Nà Lẹng xã Ân Tình rẽ phải theo đường mòn lên núi khoảng 2km, con đường mòn nhiều đá tai mèo lởm chởm trước đây đã bị dấu chân lăm tặc mài nhẵn. Người dân địa phương gọi khu vực này là Lũng Vạt, bìa rừng núi đá này rộng trên 10ha với đủ các loại cây nghiến lớn nhỏ đều đã bị chặt hạ xẻ thịt làm thớt hoặc gỗ xẻ.

Tại khu vực này đã có hàng chục cây mới bị đốn ngã nằm dài trên sườn núi. Có những chỗ chỉ khoảng vài chục mét vuông mà có đến 5 cây bị chặt và xẻ thịt, phần thừa của lâm tặc để lại là đầu mẩu, bìa bắp và mùn cưa còn đỏ au.

"Tiền tiêu hàng ngày" từ gỗ nghiến


Anh Nguyễn Quốc Oai, người dân xã Lương Thượng cho biết: Do mỗi ngày công đi rừng xẻ thớt nghiến cũng đạt từ 180.000 - 200.000 đồng, nên nhiều người dân cửa rừng đã bất chấp sự nghiêm cấm khai thác rừng trái phép của các cơ quan chức năng, họ đang có xu hướng rằng “chậm chân sẽ mất phần”, nên lặng lẽ leo rừng xẻ thớt nghiến bán cho đầu nậu kiếm tiền tiêu hàng ngày.

Một cục thớt nghiến xẻ theo qui cách, rộng 45cm, dày 18cm (lấy phần gỗ lệch tâm), giá bán tại chân núi luôn từ 130.000 - 150.000 đồng/cục. Công thuê vác một cục thớt nghiến qui cách như trên, từ trên núi xuống đến đường xe gắn máy, được trả công 50.000 đồng/cục. Trong khi từ nơi xẻ gỗ là Lũng Vạt đến nơi tập kết chỉ dài khoảng 2km, nên người dân đua nhau đi vác thuê kiếm tiền, mỗi người vác được 2 cục/ngày, người nào khỏe có thể vác tới 4 cục/ngày.

Khi gỗ, thớt nghiến được chuyển ra đường, các đầu nậu tiếp tục gom lại khi nào đủ chuyến sẽ gọi đội xe gắn máy vào chở hàng đi theo hướng xã Lương Thành và Lạng San.

Chính quyền và lực lượng chức năng bó tay

Khi nghe về thảm cảnh cây nghiến đang bị chặt hạ, xẻ thịt tan hoang trên Lũng Vạt, ông Mã Thiêm Lập - Bí thư Đảng uỷ xã Ân Tình, như đã nghe “quen tai”, nên không hề tỏ ra lo lắng hay phản ứng gì, mà dẫn sang gặp ông Mã Thiêm Hướng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã.

Ông Hướng cho biết: Hiện tượng phá rừng trên địa bàn xã đã yên ổn, vì trong suốt nhiều tháng qua, tổ tuần tra chưa bắt được tên lâm tặc nào, chưa thu giữ được loại phương tiện khai thác gỗ của lâm tặc.

Khi được cho biết về địa chỉ của những cây nghiến mới bị hạ gục tại rừng Lũng Vạt, ông Hướng đã bức xúc: Từ khi xã được phủ sóng di động, các đối tượng khai thác gỗ trái phép trang bị cả điện thoại di động để thông tin cho nhau, mỗi khi có lực lượng tuần tra, do đó rất khó bắt được các thủ phạm phá rừng.

Còn về vấn đề ngăn chặn nạn phá rừng Lũng Vạt trong thời gian tới, ông Hướng nói như công thức tập huấn: Phối hợp tốt với các đoàn liên ngành của tỉnh tổ chức tuần tra, xử lý thật nghiêm theo quy định của pháp luật những đối tượng buôn bán, vận chuyển, khai thác rừng trái phép. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền để người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ và giữ rừng.

Tiếp tục đem sự việc phá rừng Lũng Vạt trao đổi với ông Nông Xuân Lanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, thông tin lại khác, ông Lanh thừa nhận tình hình khai thác gỗ nghiến dạng thớt trái phép trên địa bàn khu bảo tồn này đang diễn ra hết sức phức tạp, hạt cũng đã phối hợp với chính quyền xã và các Trưởng thôn, bản tuyên truyền vận động trong dân, đặt hòm thư để tố giác, vận động toàn dân ký cam kết không phá rừng..., nhưng không hiệu quả bởi rừng vẫn bị tàn phá.

Khi được hỏi về các giải pháp trong thời gian tới, ông Lanh cho rằng lực lượng mỏng, cán bộ yếu về chuyên môn nghiệp vụ nên giải pháp để giữ rừng an toàn sẽ là rất khó./.
Văn Chính – Quang Đán (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục