"Vệ sinh tại các khu du lịch của Việt Nam bẩn... kinh hoàng"

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng mất vệ sinh môi trường là nỗi bức xúc chung, trước mắt chỉ cần tập trung giữ vệ sinh thật tốt cũng kéo được khách du lịch đến Việt Nam.
"Vệ sinh tại các khu du lịch của Việt Nam bẩn... kinh hoàng" ảnh 1Các nhóm tình nguyện viên chung tay dọn rác tại một số đảo trong Vịnh Hạ Long. (Nguồn: Vietnam+)

"Khách du lịch quốc tế rất sợ vấn đề mất vệ sinh môi trường ở Việt Nam. Vệ sinh tại các khu du lịch của chúng ta bẩn kinh hoàng," là nhận định của đại biểu tham dự cuộc họp cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Đề án phát triển ngành du lịch, chiều 14/9.


Nhận thức rõ tồn tại

Báo cáo tóm tắt Đề án, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nêu rõ tư duy, cách thức hoạch định chính sách phát triển du lịch Việt Nam còn lạc hậu. Tư duy quản lý còn mang nặng tính bao cấp, chưa theo kịp với mức độ tự do hóa thị trường, phân cấp, mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế và yêu cầu tăng trưởng nhanh và bền vững. Các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường chưa được tôn trọng và khai thác hiệu quả.

"Tỉnh nào cũng muốn phát triển du lịch. Nơi nào cũng đòi là điểm đến, đòi phát triển du lịch thì ngành này càng không phát triển được để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia," Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải nêu quan điểm.

Theo ông Ngô Đông Hải, cần xác định phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp và điều đầu tiên cần quan tâm là quy hoạch định hướng phải đủ tầm, có trọng tâm, trọng điểm, rõ ràng và tạo sự đồng thuận cao, nếu không sẽ không thể phát triển nhanh được.

"Du lịch nội địa là đáp ứng nhu cầu tự thân trong xã hội. Tập trung thúc đẩy thu hút khách quốc tế mới đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn," ông Ngô Đông Hải nói.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ nhắc đến tình trạng khách "một đi không trở lại," còn ông Vũ Quang Minh (Bộ Ngoại giao) đề cập đến sự "kinh hoàng" về vệ sinh môi trường.

Ông Minh cũng nói đến việc tái đầu tư để duy tu, bảo dưỡng sản phẩm du lịch, duy trì và đảm bảo sự hấp dẫn của sản phẩm du lịch chưa được chú trọng; hệ thống bảo tàng trong nước quá tồi tệ, chỉ dẫn bằng tiếng Anh không chính xác, khó hiểu.

Cũng tham dự hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng mất vệ sinh môi trường là nỗi bức xúc chung, trước mắt chỉ cần tập trung giữ vệ sinh thật tốt cũng kéo được khách du lịch đến Việt Nam. Vấn đề môi trường cần phải có nhóm giải pháp riêng.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương, là vấn đề văn hóa, phải "siết" lại.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu đánh giá hết thực trạng của ngành du lịch, không tô hồng nhưng không quá tiêu cực, nhận thức rõ những tồn tại, yếu kém trong bối cảnh các nước khác trong khu vực và quốc tế đã phát triển vượt xa...

Coi du lịch là ngành kinh tế

Theo Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn, quan điểm chủ đạo của Đề án là phát triển du lịch với tư cách là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, mang nội dung văn hóa sâu sắc; đem lại lợi ích trực tiếp và thúc đẩy, hỗ trợ, vừa tạo cung, vừa tạo cầu cho các ngành khác phát triển.

Mục tiêu đến 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế và phục vụ 75 triệu lượt khách nội địa, đóng góp 10% GDP. Tổng thu từ khách du lịch đạt 32,5 tỷ USD, tăng trưởng GDP du lịch và tổng thu từ khách du lịch đạt 16%/năm trong giai đoạn 2015-2020. Giá trị xuất khẩu tại chỗ của ngành du lịch đạt 20 tỷ USD, tạo việc làm cho 3,5 triệu lao động, trong đó có 1,02 triệu lao động trực tiếp.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng khẳng định rõ quan điểm không nhất thiết địa phương nào cũng phải đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển ngành du lịch phải theo nhu cầu thị trường.

Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung hoàn thiện Đề án trình Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ Đề án cần nói rõ các điểm yếu của ngành, định hướng phát triển phải đặc biệt nhấn mạnh đến tính trọng điểm và tính chuyên nghiệp. Nhận thức du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phải tập trung từ cơ chế chính sách, nêu được trách nhiệm của địa phương trong giải quyết nỗi sợ môi trường, gắn với cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh.

Các thủ tục visa phải thuận lợi hơn, thông thoáng hơn, tiến tới không miễn visa mà cấp visa điện tử, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Nhận định đây là cơ hội hiếm có để Bộ Chính trị xem xét, ra được Nghị quyết về du lịch, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo tập trung công sức, trí tuệ, nâng cao chất lượng Đề án.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam là điểm đến an ninh, an toàn, chính trị xã hội ổn định, nằm trong khu vực kinh tế năng động, Việt Nam đang hội nhập sâu sắc với nền kinh tế thế giới, đây là những thế mạnh cần được nhấn mạnh trong Đề án.

Cho ý kiến cụ thể vào Đề án, Phó Thủ tướng cho rằng khi xác định du lịch vừa tạo cung, vừa tạo cầu cho phát triển các ngành khác, cần làm rõ những đóng góp, lan tỏa của du lịch cho các ngành, nhất là giao thông vận tải, thương mại, nông nghiệp, làng nghề, tài chính... Bên cạnh mục tiêu phát triển du lịch đến năm 2020, Đề án cần có thêm tầm nhìn đến 2030.

Phó Thủ tướng yêu cầu Đề án phải đề cập đến việc nâng cao nhận thức và đổi mới về tư duy phát triển du lịch, thống nhất định nghĩa về ngành du lịch, từ đó có nguyên tắc hành xử phù hợp.

Phải ứng xử với nó như một ngành kinh tế, tuân theo các nguyên tắc kinh tế thị trường và các quy luật có tính phổ quát. Để là “mũi nhọn”, phải có thể chế, cơ chế chính sách cho du lịch phát triển, Phó Thủ tướng nói.

Một tổ hợp giải pháp về chính sách và thể chế đã được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra, trong đó đặt ra yêu cầu tái cơ cấu ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển bền vững trên nền tảng của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Theo Phó Thủ tướng, trước hết, phải rà soát bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch du lịch, xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành du lịch đến 2020, tầm nhìn 2030 trên 3 trọng điểm: hạ tầng; đa dạng hóa loại hình sản phẩm du lịch, phát triển sản phẩm du lịch khác biệt mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; xây dựng môi trường văn hóa du lịch đồng thời, tập trung hoàn thiện các thể chế chính sách để huy động tối đa nguồn lực của xã hội cho phát triển du lịch theo đúng định hướng tái cơ cấu; bổ sung một số thể chế chính sách cụ thể cho phát triển du lịch, trong đó có các vấn đề liên quan đến thuế, phí, giá; chuyển dần từ cơ chế phí sang cơ chế giá, có lộ trình giá dịch vụ tương thích với đổi mới cơ chế tài chính, biên chế, bộ máy của đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực này..

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề cập đến nhóm giải pháp tăng cường công tác tuyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, sử dụng nguồn lực của toàn xã hội, Nhà nước chỉ đầu tư một phần; các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp du lịch; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra...

Phó Thủ tướng tán thành với việc thành lập Sở Du lịch ở các tỉnh có ngành du lịch phát triển, là mũi nhọn nhưng trên quan điểm Sở này chỉ là đầu mối, không phát sinh thêm biên chế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục