Một thời “sống trẻ”

Về Tây Trà bồi hồi nhớ lại một thời “sống trẻ”

Theo Phó Tổng Giám đốc TTXVN Hà Minh Huệ, nhiều cán bộ, phóng viên đã để lại những bài học, tấm gương cũng như tác phẩm “để đời."
Chỉ với cây bút, chiếc máy ảnh, máy truyền tin... những cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã giải phóng Trung Trung Bộ đã kiên cường bám trụ, phản ánh, biểu dương kịp thời những thành tích của quân và dân Khu 5 anh hùng trong thời kỳ kháng chiến, giải phóng dân tộc.

Các anh, các chị đã đóng góp công sức tuổi trẻ và cả máu xương của mình góp phần làm nên đại thắng Mùa Xuân 1975 lịch sử.

Ký ức thời “sống trẻ”

Trong mưa bom bão đạn ác liệt của cuộc kháng chiến vệ quốc, ngay sau khi Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, vào năm 1960 những chàng trai, cô gái từ khắp mọi miền đất nước gác bút nghiên, tạm xa người thân tình nguyện tham gia đoàn quân chi việc cho miền Nam ruột thịt, họ là những cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của Việt Nam Thông tấn xã tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ đóng tại miền Tây tỉnh Quảng Nam.

Tại chiến trường này đã có hàng trăm cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã tham gia chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ, để tránh bị địch phát hiện và tạo thế đưa tin nhanh, Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ  đã phải nhiều lần di chuyển đến các địa điểm như Nước Oa, Nước Là và cuối cùng là tại xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam.

Không những thế, phóng viên Thông tấn xã luôn bám sát địa bàn, những địa điểm “nóng” về chiến sự, vượt qua những trận sốt rét, những bữa thiếu ăn, những trận chống càn và cả những cơn “mưa vắt” cộng với những hiểm nguy luôn rình rập, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ đã luôn tiên phong trong việc thu thập và xử lý thông tin để truyền về Tổng xã. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến ác liệt đó đã có 29 liệt sĩ đã ngã xuống mảnh đất này.

Ông Võ Thế Ái - một trong những phóng viên Thông tấn xã đầu tiên được tăng cường vào chiến trường Khu 5 đầu năm 1960 và chiến đấu cho đến tận ngày đất nước hoàn toàn giải phóng bồi hồi nhớ lại: vượt qua muôn vàn khó khăn khi phải xa gia đình dấn thân trong mưa bom lửa đạn, nhưng với một lòng đi theo cách mạng chúng tôi đã vượt qua mọi gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ đựơc giao phản ánh trung thực, kịp thời tình hình chiến sự để thông tin đi đến khắp mọi miền đất nước và với bạn bè quốc tế.

“Vật bất ly thân” của tôi là khẩu súng, chiếc máy ảnh và tấm áo lụa nhỏ của đứa con mới chín tháng tuổi đang ở miền Bắc. Kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi, tham gia đánh giặc và phản ánh trận tiến công của quân dân Khu 5 vào ngày 17/10/1960, đây là một trong 27 trận tiến công tiêu biểu của quân dân Khu 5 vào thời điểm đó, gây được tiếng vang trên trường quốc tế, khiến kẻ thù phải khiếp sợ.

Nhiều, rất nhiều những chiến công lẫy lừng nhưng thầm lặng mà cao cả của cán bộ, phóng viên Thông tấn xã góp phần không nhỏ cho đại thắng Mùa Xuân 1975 để nước nhà hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối.

Cảm phục trước sự cống hiến, hy sinh của cha anh, phóng viên trẻ Dương Vương Lợi, Phân xã Đà Nẵng cho biết chúng tôi sẽ phấn đấu, nỗ lực hết sức mình để rèn luyện, trau dồi tư cách đạo đức tác phong cũng như không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng tốt nhiệm vụ cơ quan giao phó trong thời kỳ mới.

Sức sống mới trên khu căn cứ địa

Ngày 29/4, khi trở lại chiến trường xưa nhân kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đoàn cán bộ, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam gồm những người đã từng chiến đấu, cống hiến trên chiến trường Khu 5 trong những năm kháng chiến, do Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Hà Minh Huệ dẫn đầu đã đến thăm, tặng quà cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hiệp Đức; đồng thời dâng hương tưởng nhớ những liệt sĩ của Thông tấn xã Việt Nam đã ngã xuống nơi đây trong kháng chiến chống Mỹ.

Trong không khí đầy trang nghiêm và xúc động, ông Hà Minh Huệ bộc bạch trong chiến tranh, Thông tấn xã Việt Nam có nhiều cán bộ, phóng viên vượt qua khó khăn gian khổ, ngoan cường chiến đấu đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất; họ đã để lại nhiều bài học, tấm gương cũng như những tác phẩm “để đời” như “Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập” vào ngày 30/4/1975.

Đứng trước vong linh của những thế hệ đã chiến đấu, hy sinh của cả nước nói chung và những liệt sĩ ngành Thông tấn nói riêng vì độc lập của dân tộc, chúng tôi nguyện tiếp bước nỗ lực phấn đấu hết mình bằng sức lực và trí tuệ để xây dựng Thông tấn xã Việt Nam thành một tập đoàn truyền thông quốc gia mạnh, là dòng thông tin chủ lưu của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh hùng.

Hiệp Đức là huyện miền núi tỉnh Quảng Nam - nơi đứng chân của Khu ủy khu 5 và một số cơ quan quan trọng của quân và dân Việt Nam, trong đó có Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ trong kháng chiến chống Mỹ đến ngày giải phóng.

Để người dân trên địa bàn cũng như du khách gần xa đến tham quan khu di tích lịch sử quốc gia Khu ủy Khu 5 tại Tây Trà, huyện Hiệp Đức đã kêu gọi đầu tư, tu bổ và tôn tạo nhiều hạng mục công trình lịch sử quan trọng có ý nghĩa như Nhà bia trung tâm; Nhà trưng bày, đường nội bộ; Bia tưởng niệm các cơ quan  từng đóng và tham gia chiến đấu ở đây, nhằm ghi nhớ công ơn hy sinh to lớn của các lớp cha anh; đồng thời, giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ trẻ muôn đời sau./.

Nguyễn Sơn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục