Vệ tinh khoa học Hàn Quốc rơi xuống Trái Đất

Vệ tinh khoa học của Hàn Quốcđược đưa lên quỹ đạo trước đó một ngày đã rơi xuống Trái Đất và bốc cháy sau khi không vào đúng quỹ đạo.
Ngày 26/8, Chính phủ Hàn Quốc cho biết vệ tinh khoa học của nước này được tên lửa đẩy KSLV-1 đưa lên quỹ đạo trước đó một ngày đã rơi xuống Trái Đất và bốc cháy sau khi không vào đúng quỹ đạo dự kiến ban đầu.

Theo Bộ Khoa học Hàn Quốc, nguyên nhân khiến vệ tinh trên không vào được đúng quỹ đạo dự kiến là do một trong hai lớp bọc vệ tinh ở đầu tên lửa không bong ra khỏi tên lửa sau khi đã mở để chuẩn bị phóng vệ tinh.

Do vậy, tên lửa KSLV-1 không đạt được tốc độ cần thiết để đưa vệ tinh vào đúng quỹ đạo dự kiến. Sau đó, vệ tinh này đã rơi xuống Trái Đất và bốc cháy.

Bộ trên cũng cho biết Chính phủ Hàn Quốc sẽ thành lập một nhóm chuyên gia điều tra vụ việc và chuẩn bị tiến hành phóng lại trong thời gian tới.

Trước đó, truyền thông Hàn Quốc đưa tin chiều 25/8 tên lửa đẩy đầu tiên của Hàn Quốc đã đưa vệ tinh khoa học vào quỹ đạo ở độ cao 360km so với mặt nước biển, cao hơn 58km so với quỹ đạo dự kiến ban đầu.

Bộ Giáo dục-Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc cho biết mặc dù vệ tinh không được đưa vào đúng quỹ đạo dự kiến nhưng tên lửa đẩy KSLV-1 do Hàn Quốc chế tạo đã hoạt động chính xác và vệ tinh đã tách tên lửa đúng quy trình.

Sau khi tên lửa KSLV-1 được phóng lên từ trung tâm Naro cách thủ đô Seoul khoảng 485km về phía Nam, nội các Hàn Quốc đã triệu tập phiên họp chớp nhoáng để đánh giá tình hình.

Tại cuộc họp, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đánh giá Hàn Quốc "đã thành công một nửa cho dù không đưa được vệ tinh vào quỹ đạo". Tổng thống Lee nhấn mạnh để có thành công trong tương lai, Hàn Quốc có thể chấp nhận nhiều lần thất bại nữa.

Tên lửa KSLV-1 nặng 140 tấn, cao 33m, đường kính 2,9m, với chi phí chế tạo hơn 400 triệu USD, là công trình hợp tác quy mô giữa Hàn Quốc và Nga trong chiến lược phát triển công nghệ vũ trụ của Hàn Quốc.

Tên lửa gồm 2 tầng, trong đó tầng một sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng do Nga sản xuất, tầng hai sử dụng động cơ nhiên liệu rắn do Hàn Quốc chế tạo.

Theo các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu vũ trụ Hàn Quốc (KARI), dự án hợp tác với Nga trong sản xuất KSLV-1 là bước đệm để Hàn Quốc thực hiện mục tiêu tự chế tạo tên lửa đẩy hoàn toàn bằng công nghệ của nước này vào năm 2018./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục