Vedan vòng vo trốn tránh trách nhiệm bồi thường

Gần 2 năm qua, Công ty Vedan Việt Nam đã viện nhiều lý do khác nhau để trốn tránh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nông dân.
Nhanh chóng nộp hơn 127 tỷ đồng phí bảo về môi trường nhưng gần 2 năm qua, Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam đã viện vào nhiều lý do khác nhau nhằm trốn tránh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho hơn 7.150 hộ nông dân.

Thống kê của Viện Môi trường và Tài nguyên, thuộc Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho thấy dòng nước đen của sông Thị Vải đã ảnh hưởng đến hơn 2.000ha diện tích nuôi trồng, đánh bắt thủy sản của huyện Cần Giờ.

Dựa trên số liệu này, ngày 1/6/2010, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại cho 839 hộ dân của huyện Cần Giờ, với số tiền là hơn 45 tỷ đồng.

Sau một tuần xem xét, đại diện Vedan lại cho rằng khoản thiệt hại của người dân huyện Cần Giờ là khó chứng minh. Công ty Vedan chỉ hỗ trợ 7 tỷ đồng.

Để làm rõ hơn về điều này, ngày 8/7/2010, Công ty Vedan sẽ có văn bản gửi các cơ quan chức năng địa phương để giải thích về khoản hỗ trợ thiện chí trị giá 7 tỷ đồng này.

Cách hành xử bất thường này cũng được Vedan thực hiện khi công bố chỉ hỗ trợ 10 tỷ đồng đối với yêu cầu bồi thường hơn 53 tỷ đồng cho thiệt hại của 1.255 hộ nông dân thuộc địa bàn các xã Mỹ Xuân, Phú Mỹ, Phước Hòa, Tân Phước, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nơi chịu thiệt hại lớn do nguồn nước ô nhiễm sông Thị Vải.

Điều này hoàn toàn trái ngược với bản cam kết được Công ty Vedan thống nhất với Viện Môi trường và Tài nguyên là Vedan phải bồi thường cho nông dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 31 tỷ đồng.

Chiêu thức tương tự cũng được Vedan sử dụng trong làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ngày 27/5/2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi văn bản mời ông Yang Tou Hsiung - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vedan sang Việt Nam tham dự cuộc họp giải quyết bồi thường thiệt hại cho người dân.

Tuy nhiên, ông Yang Tou Hsiung đã từ chối với lý do bận công tác.

Không đồng ý với việc này, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao cho Tổng cục Môi trường có văn bản yêu cầu ông Yang Tou Hsiung sắp xếp thời gian sang Việt Nam dự họp trước ngày 10/6/2010.

Nội dung công văn này khẳng định Công ty Vedan phải khẩn trương bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Thị Vải do Công ty Vedan gây ra.

Đối với thắc mắc của ông Yang Tou Hsiung về chuyện trên Internet có đăng tải thông tin “Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai chấp nhận mức hỗ trợ 15 tỷ đồng của Công ty Vedan,” trong văn bản này, Tiến sỹ Bùi Cách Tuyến, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường đã giải thích rằng đến nay chưa có bất kỳ một văn bản nào của tỉnh Đồng Nai đồng ý như vậy.

Hiện tượng nhiễu thông tin này do Công ty Vedan công bố khi làm việc với Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, đã khiến cho vụ việc trở nên phức tạp hơn.

Cho đến ngày 27/5/2010, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai vẫn khẳng định số tiền người dân yêu cầu bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường do Vedan gây ra cho nông dân hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch là hơn 1.600 tỷ đồng.

Vì vậy, Tổng cục Môi trường yêu cầu ông Yang Tou Hsiung và ban lãnh đạo Công ty Vedan cần có thái độ nghiêm túc để giải quyết dứt điểm vụ việc vi phạm, gây ô nhiễm môi trường do Vedan gây ra.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công ty Vedan đã cam kết chịu trách nhiệm chi trả bồi thường thiệt hại về kinh tế và môi trường, đồng thời hỗ trợ người dân trong khu vực bị ảnh hưởng do chất thải của công ty gây ra theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây thái độ và tinh thần trách nhiệm giải quyết bồi thường thiệt hại cho người dân của Công ty Vedan chưa thật sự nghiêm túc. Những diễn biến trên đây cho thấy tinh thần, thái độ và trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân của Vedan rất kém, đã gây bức xúc cho nhân dân, bất bình trong dư luận xã hội.

Để chấn chỉnh cách hành xử bất thường của thủ phạm chính đầu độc sông Thị Vải, Tổng cục Môi trường đã chính thức thông báo nếu Vedan không thực hiện nghiêm chỉnh việc đền bù cho nông dân thì các cơ quan chức năng sẽ tổ chức thanh tra toàn diện việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường đối với tất cả các nhà máy của Vedan trên lãnh thổ Việt Nam và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam./.

Kim Quy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục