Vén “bức màn” bí ẩn về hành cung Lỗ Giang của nhà Trần

Sau khoảng 7 thế kỷ, những bí ẩn lịch sử về Lỗ Giang - một hành cung lớn của nhà Trần, nơi “trầm tích” trong mình nhiều giá trị văn hóa gắn liền với những biến thiên thời cuộc đã dần được giải mã.
Vén “bức màn” bí ẩn về hành cung Lỗ Giang của nhà Trần ảnh 1Vật liệu kiến trúc được tìm thấy ở hành cung Lỗ Giang có nhiều điểm tương đồng với vật liệu kiến trúc được tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành)

Sau khoảng 7 thế kỷ, những bí ẩn lịch sử về Lỗ Giang - một hành cung lớn của nhà Trần, nơi “trầm tích” trong mình nhiều giá trị văn hóa gắn liền với những biến thiên thời cuộc đã dần được giải mã.

Đó là khi các nhà khoa học tìm được các loại ngói mũi sen (trên có gắn lá đề trang trí hình rồng, được dùng để lợp thân mái, diềm mái tại các công trình kiến trúc hoàng gia) cùng hàng loạt hiện vật mang giá trị biểu trưng vương quyền khác tại khu vực đền Trần (Thái Lăng) và Lăng Ngói (xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, Thái Bình) vào cuối năm 2014.

Chỉ dẫn “mong manh”

“Lần đầu tiên giới khảo cổ học Việt Nam có được hình dung tương đối rõ ràng về một hành cung ở bên ngoài kinh thành Thăng Long của các vua nhà Trần,” phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Minh Trí (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết.

Theo vị chuyên gia này, trong lịch sử, hành cung là nơi nghỉ ngơi của nhà vua khi đi tuần du tại các địa phương xa kinh thành, do triều đình xây dựng.

“Lỗ Giang là một trong những hành cung quan trọng của nhà Trần; nằm ở vị trí đặc biệt - thể hiện sự kết nối kinh thành Thăng Long (Hà Nội) với phủ Long Hưng (Thái Bình) và Tức Mạc (Nam Định). Tuy nhiên, quy mô, diện mạo và vị trí chính xác hiện nay của hành cung này vẫn là một câu hỏi lớn. Lời giải cho bí ẩn lịch sử vẫn nằm sâu dưới lòng đất,” lần giở lại sử sách, nhà khảo cổ học trầm ngâm.

Trong “Đại Việt sử ký toàn thư,” hành cung Lỗ Giang cũng chỉ được nhắc đến với những dòng ngắn ngủi: Đây là nơi Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng Thái Hậu (mẹ vua Trần Anh Tông) từng sống và qua đời vào ngày 13/9/1293. Đây cũng là nơi gắn liền với sự nghiệp của vua Trần Hiến Tông.

Vén “bức màn” bí ẩn về hành cung Lỗ Giang của nhà Trần ảnh 23 Dấu vết móng trụ tại hố khai quật ở khu vực đền Trần (Thái Lăng). (Ảnh: TTXVN)

“Từ ‘chỉ dẫn’ ngắn ngủi này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu thư tịch cổ có liên quan đến từ ‘Lỗ Giang.’ Kết quả cho thấy, đó là từ cổ được dùng để chỉ một địa danh nằm ở ngã ba sông - nơi có vòng xoáy lớn,” phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Minh Trí cho hay.

Trên thực tế, địa danh này thuộc khu vực ngã ba sông Hồng và sông Trà Lý, thuộc phủ Long Hưng (dưới thời Trần) và thôn Thâm Động (xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, Thái Bình) ngày nay.

Sau đó, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình tiến hành mở sáu hố khai quật khảo cổ học tại đây (trong thời gian từ 25/11/2014-30/12/2014).

Cổ vật “kể chuyện”

“Bức màn lịch sử về hành cung Lỗ Giang đã dần hé lộ. Cuộc khai quật khảo cổ học đã làm phát lộ một phần nền móng của công trình kiến trúc gỗ. Công trình này quay mặt về hướng Nam, hai bên có sân gạch được xây dựng quy chuẩn,” đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Cụ thể, dấu tích kiến trúc này phát lộ với diện tích khoảng 100m2 và ở độ sâu khoảng 0,5m so với mặt sân nền hiện tại.

Phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Minh Trí cho rằng, điểm độc đáo nhất của công trình này là hệ thống móng trụ kép hình chữ nhật - một loại móng trụ đặc biệt, lớn gấp đôi móng trụ vuông thông thường.

“Móng trụ lớn cho thấy hệ thống cột và chân tảng đặt phía trên cũng có kích thước lớn (các chân tảng được tìm thấy nặng trung bình từ 200-250 kg). Cùng với đó, việc tìm thấy bốn hàng cột và xác định được chiều rộng lòng nhà (9,9 mét) giúp chúng ta hình dung về quy mô lớn, nhiều tầng của hành cung Lỗ Giang xưa kia,” ông Trí nói.

Không chỉ có vậy, nhà khảo cổ học này còn cho biết, đây là lần đầu tiên loại hình móng trụ kép hình chữ nhật được tìm thấy bên ngoài Hoàng thành Thăng Long. Trước đó, tại một số di tích có niên đại từ thời Lý (thuộc khu di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long), các nhà khoa học cũng đã tìm thấy dấu tích của loại móng trụ này.

“Tuy nhiên, móng trụ kép ở hành cung Lỗ Giang (thời Trần) có kích thước lớn hơn nhiều so với những móng trụ cùng loại (thời Lý) đã xuất lộ ở Hoàng thành Thăng Long,” phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Minh Trí khẳng định.

Bên cạnh đó, đợt khai quật khảo cổ học lần này cũng đã tìm thấy hàng trăm hiện vật có niên đại từ thế kỷ 13-14 mang ý nghĩa biểu trưng vương quyền như: hàm rồng, ngói mũi sen, diềm mái gắn lá đề (có trang trí hình rồng)…

Vén “bức màn” bí ẩn về hành cung Lỗ Giang của nhà Trần ảnh 3Đợt khai quật khảo cổ học lần này cũng đã tìm thấy hàng trăm hiện vật mang ý nghĩa biểu trưng vương quyền. (Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành)

“Những gì phát hiện được đã chứng minh rằng, đây chính xác là một kiến trúc hoàng gia - cung điện; có nhiều điểm tương đồng về kỹ thuật xây dựng và nghệ thuật trang trí so với các công trình kiến trúc hoàng gia thời Lý ở Hoàng thành Thăng Long,” ông Trí nhấn mạnh.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, phó giáo sư Bùi Minh Trí cho hay: điều đó phản ánh sự kế thừa, phát triển về mặt hình thái kiến trúc cung điện nói riêng và các thành tựu văn hóa, khoa học nói chung của nhà Trần so với nhà Lý.

Câu chuyện còn dài…

Từ những kết quả thu được, bước đầu, các chuyên gia cho rằng: khu vực đền khu vực đền Trần (Thái Lăng), Lăng Ngói thuộc xã Hồng Minh (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) chính là hành cung Lỗ Giang dưới thời vua Trần Nhân Tông, vua Trần Anh Tông, hay còn là hành cung Kiến Xương dưới thời vua Trần Hiến Tông.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, kiến trúc này chưa xuất lộ hết. Bởi vậy, diện tích chính xác, kết cấu, số gian cụ thể và nhiều vấn đề liên quan khác của công trình vẫn chưa được làm rõ. Đây là công việc cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Vén “bức màn” bí ẩn về hành cung Lỗ Giang của nhà Trần ảnh 4(Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành)

“Việc nghiên cứu về hành cung Lỗ Giang sẽ góp phần làm rõ trình độ xây dựng, diện mạo kiến trúc, đặc trưng mỹ thuật… của nhà Trần cũng như mối quan hệ giữa kinh đô, triều đình với các địa phương khác trong lịch sử,” ông Bùi Minh Trí cho biết./.

Cuộc khai quật khảo cổ học tại khu vực đền Trần (Thái Lăng) và Lăng Ngói (xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, Thái Bình) được thực hiện theo Quyết định số 3897/QĐ-BVHTTDL (ngày 21/11/2014) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thời gian tiến hành khai quật kéo dài từ 25/11/2014-30/12/2014. Diện tích khai quật là 300m2. Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình phối hợp thực hiện.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục