"Vén màn bí ẩn" 2 công viên hải dương học tại Australia

Các chuyên gia sẽ sử dụng các camera công nghệ cao, lưới và xe trượt để thu thập các mẫu vật và chụp lại những hình ảnh sâu trong lòng biển của công viên hải dương học.
"Vén màn bí ẩn" 2 công viên hải dương học tại Australia ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: scmp.com)

Cuối tuần qua, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp của Khối Thịnh vượng chung (CSIRO) đã bắt đầu hành trình dài 1 tháng trên tàu nghiên cứu RV để thăm dò 2 công viên hải dương học Gascoyne và Carnarvon Canyon nằm ở bờ biển phía Tây của Australia. 

Đây cũng là cuộc khảo sát khoa học đầu tiên nhằm khám phá hệ sinh thái dưới đáy biển và các sinh vật chưa từng biết đến của 2 công viên trải rộng trên diện tích lên tới 87.000km2 này. 

Tham gia đoàn nghiên cứu, ông John Keesing, trưởng nhóm khoa học CSIRO, cho biết cuộc thám hiểm này sẽ giúp các nhà khoa học có cái nhìn rõ nét về hệ sinh thái phức hợp của hai công viên này cũng như hỗ trợ công tác bảo tồn tại đây.

[Báo động lượng vi nhựa khổng lồ cá voi nuốt phải mỗi ngày]

Ông nhấn mạnh đây là lần đầu tiên, các nhà khoa học sẽ thăm dò công viên hải dương Gascoyne ở độ sâu hơn 5.000m - nơi gần như không có ánh sáng của ban ngày. Các chuyên gia hy vọng có thể phát hiện nhiều loài sinh vật biển mới, cũng như thu thập được dữ liệu về sự đa dạng các loài cá và động vật không xương sống tại đây.

Tham gia hỗ trợ chuyến thám hiểm này có các nhà nghiên cứu thuộc Công viên Australia và Viện Bảo tàng Tây Australia. Các chuyên gia sẽ sử dụng các camera công nghệ cao, lưới và xe trượt để thu thập các mẫu vật và chụp lại những hình ảnh sâu trong lòng biển của công viên hải dương học.

Được thành lập vào năm 2013, Công viên hải dương Gascoyne bao gồm các khu vực kiếm ăn của cá mập voi và một phần tuyến đường di cư của cá voi lưng gù. Đây được coi là công viên có hệ sinh vật biển đa dạng nhất ở Australia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục