Venezuela cáo buộc OAS ủng hộ kế hoạch đảo chính của phe đối lập

Chính phủ Venezuela đã cáo buộc OAS ủng hộ một cuộc đảo chính ở quốc gia Nam Mỹ với việc chấp nhận phái viên của thủ lĩnh đối lập Juan Guaido làm đại diện thường trực tại tổ chức đa phương này.
Venezuela cáo buộc OAS ủng hộ kế hoạch đảo chính của phe đối lập ảnh 1Thủ lĩnh đối lập Venezuela Juan Guaido (giữa) trong cuộc biểu tình phản đối Chính phủ tại Caracas ngày 6/4/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 9/4, chính phủ Venezuela đã cáo buộc Tổ chức Các Quốc gia châu Mỹ (OAS) ủng hộ một cuộc đảo chính ở quốc gia Nam Mỹ với việc chấp nhận phái viên của thủ lĩnh đối lập Juan Guaido làm đại diện thường trực tại tổ chức đa phương này.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Venezuela, Nghị quyết của Hội đồng thường trực OAS tìm cách tạo điều kiện để mở rộng cuộc tấn công vào nước này, kể cả lời đe dọa can thiệp quân sự của Mỹ.

Chính phủ Venezuela nhấn mạnh: “Với việc chấp nhận một cách phi pháp một con rối chính trị, OAS đã hợp thức hóa kế hoạch đảo chính được khởi động hôm 23/1."

Venezuela cũng cho rằng đây là một quyết định không có giá trị và thiếu tính pháp lý vì Hội đồng thường trực OAS không có thẩm quyền xem xét vấn đề trên. Venezuela cũng tái khẳng định quyết định rút lui khỏi tổ chức khu vực này kể từ ngày 27/4 tới như đã từng công bố vào năm 2017.

[OAS công nhận phái viên phe đối lập Venezuela làm đại diện thường trực]

Cùng ngày, với 18 phiếu thuận, chín phiếu chống và sáu phiếu trắng, Hội đồng thường trực Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã thông qua Nghị quyết công nhận ông Gustavo Tarre, phái viên của "Tổng thống lâm thời" tự xưng Venezuela Juan Guaido, làm đại diện thường trực của Venezuela tại tổ chức đa phương này.

Đề xuất công nhận ông Tarre do các nước Colombia, Chile, Argentina, Brazil, Paraguay, Peru và Canada đệ trình lên Hội đồng thường trực OAS sau khi Quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát quyết định bổ nhiệm ông này làm Đại sứ tại OAS theo đề xuất của thủ lĩnh phe đối lập, Chủ tịch Quốc hội Guaido.

Trong khi đó, lý giải về quyết định bỏ phiếu chống đối với Nghị quyết này, đại diện các nước như Mexico, Uruguay, Bolivia, Nicaragua, Guyana, Antigua và Barbuda và El Salvador đều cho rằng Hiến chương của OAS không giao quyền hạn cho Hội đồng thường trực xem xét việc đăng ký đại diện của một quốc gia và đây là một vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng OAS.

Đại diện của Mexico nhấn mạnh, quyết định trên không có hiệu lực thực tế và chỉ tạo ra những hệ của tiêu cực đối với thể chế của OAS./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục