Vì nạn nhân chất da cam, cuộc chiến không đơn độc

Rất nhiều bạn bè thế giới đang hướng về các nạn nhân da cam Việt Nam, đồng hành với các nạn nhân trong cuộc đấu tranh đòi công lý. 
Hình ảnh vị tướng già 80 tuổi đều đặn đi làm từ sáng sớm đến tối khuya đã trở nên quen thuộc với người dân khu phố Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ít ai biết rằng ông là đồng sáng lập Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), giúp đỡ các thành viên đang gánh chịu hậu quả của những cơn mưa thuốc diệt cỏ mà quân đội Mỹ rải xuống chiến trường miền Nam Việt Nam. “Nhìn các nạn nhân co quắp trong đau đớn và tuyệt vọng, tôi chỉ có một suy nghĩ phải làm điều gì đó xoa dịu nỗi đau cho họ,” thiếu tướng Trần Xuân Thu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VAVA, nghẹn ngào nói khi kể lại vô vàn khó khăn trong những ngày đầu thành lập Hội cách đây gần 10 năm. Kể từ phi vụ phát quang đầu tiên diễn ra vào ngày 10/8/1961 đến năm 1971, Quân đội Mỹ đã rải gần 80 triệu lít chất diệt cỏ, trong đó có chất da cam chứa hàm lượng dioxin lên tới 61%, xuống 3 triệu ha rừng ở miền Nam Việt Nam. Cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất trong lịch sử nhân loại do Quân đội Mỹ tiến hành đã làm khoảng 6,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất da cam. Hàng trăm nghìn người đã qua đời, trong khi hàng triệu nạn nhân và con cháu họ đang hàng ngày vật lộn với bệnh tật do di chứng dioxin. Là một trong những người sáng lập Hội, cùng với nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và trung tướng Đặng Vũ Hiệp, ông Thu thấu hiểu nỗi đau dai dẳng mà các nạn nhân phải hứng chịu từ chất độc da cam. Ông tâm sự: “Là những người lính đã về hưu, chúng tôi không vì mục đích gì khác ngoài mong muốn hoàn thành nốt những công việc còn dang dở.” Vị tướng già nhớ lại ngày ấy ông cùng đồng đội đi gõ cửa khắp nơi xin tài trợ, rồi chuẩn bị hồ sơ kiện 37 công ty hóa chất Mỹ đòi công lý cho các nạn nhân da cam Việt Nam. Đây là một công việc không hề đơn giản, đặc biệt đối với một hội non trẻ như VAVA. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của các cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là Bộ Quốc phòng cũng như sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, trong đó có Hội Luật gia dân chủ quốc tế, VAVA đã chính thức khởi kiện lên Tòa án Mỹ vào ngày 30 tháng 1 năm 2004, đúng 10 ngày sau khi thành lập Hội.   Chủ tịch VAVA, thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, khẳng định đây là cuộc đấu tranh chính trị, nhân văn, đòi công lý và cũng vì mục đích kinh tế, yêu cầu các công ty hóa chất phải bồi thường những gì họ đã gây ra trong chiến tranh. Tuy bị Tòa án Mỹ bác đơn nhưng điều quan trọng là VAVA đã đưa được vấn đề da cam lên bàn nghị sự, giúp nhân dân thế giới hiểu rõ hơn về cuộc sống cùng cực của các nạn nhân, tội ác không thể tha thứ của quân đội Mỹ cũng như trách nhiệm của các công ty hóa chất Hoa Kỳ.
Vì nạn nhân chất da cam, cuộc chiến không đơn độc ảnh 1
Máy bay Mỹ rải chất độc da cam xuống các cánh rừng Việt Nam.
Một trong những người bạn lớn của nạn nhân da cam Việt Nam là Len Aldis, Tổng thư ký Hội hữu nghị Anh-Việt. Ông từng gửi rất nhiều thư tới Đại sứ quán Mỹ tại London, phản đối việc sử dụng chất độc da cam và yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Chính vì vậy, ông rất quan tâm đến các nạn nhân Việt Nam và cuộc đấu tranh đòi công lý của họ. “Chúng tôi lập ra trang web kêu gọi mọi người ký tên phản đối Chính phủ Mỹ và những công ty Mỹ trực tiếp sản xuất ra chất độc da cam như Monsanto, Dow Chemical… Không dưới một triệu người đã ký vào kiến nghị, được sao thành nhiều bản gửi đến Tổng thống Mỹ, Đại sứ quán Mỹ tại các nước,” ông Len Aldis kể lại. Còn rất nhiều bạn bè trên khắp Trái Đất đang hướng về các nạn nhân da cam Việt Nam với sự cảm thông, chia sẻ. Họ sẽ luôn đồng hành với các nạn nhân trong cuộc đấu tranh đòi công lý, với tinh thần nhân văn cao cả. Các nạn nhân da cam Việt Nam không hề đơn độc!
Sau gần 10 năm thành lập, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã quyên góp được số tiền lên đến hơn 600 tỷ đồng (gần 29 triệu đôla Mỹ) từ các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước. Với số tiền này, Hội đã giúp đỡ gần 500.000 lượt người. Có 35 tổ chức quốc tế và 25 nước đã lên tiếng ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và cuộc chiến đòi công lý của họ.

Kỳ sau: Những người không đầu hàng số phận

Thúy Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục