Vi phạm về đê điều ở Ứng Hòa: Trách nhiệm thuộc về người đứng đầu

Nguyên nhân các vụ vi phạm về đê điều trên địa bàn Hà Nội không được giải quyết triệt để là do người đứng đầu ở địa phương cũng như các đơn vị chức năng còn né tránh, không quyết liệt.
Vi phạm về đê điều ở Ứng Hòa: Trách nhiệm thuộc về người đứng đầu ảnh 1Người dân xã Hòa Phú tự giác tháo dỡ công trình vi phạm hành lang đê điều. (Nguồn: unghoa.hanoi.gov.vn)

Vừa qua, phóng viên TTXVN đã có bài viết "Thách thức pháp luật, “băm nát” chân đê ở Ứng Hòa" phản ánh tình hình vi phạm hành lang an toàn đê ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội), gây bức xúc trong dư luận.

Từ thông tin trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc.

Trao đổi với phóng viên TTXVN về vấn đề nêu trên, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, cho biết huyện Ứng Hòa có địa bàn nằm sát mặt đê, lấy đê làm trục giao thông chính nên tình trạng vi phạm xảy ra nhiều; người dân còn tôn cao mặt nền nhà để bằng mặt đê, thuận tiện cho việc đi lại.

Hơn nữa, 30 năm qua không có lũ nên dường như người dân quên mất đây là đê chống lũ mà chỉ nghĩ đến cuộc sống, con đường đi lại hàng ngày nên đã biến thành một con đường, làm mất đi mái đê, mất cả hành lang đê.

Đó là về khách quan, còn về chủ quan, điều này thể hiện cái "yếu" của cán bộ, không phối hợp tốt giữa chính quyền địa phương với các cơ quan liên quan như công an, cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý đê điều...

Bên cạnh đó, một bộ phận dân chúng ý thức chấp hành pháp luật chưa cao. Ở một số huyện, người dân chưa có ý thức chấp hành Luật đê điều, Luật phòng chống thiên tai, việc chấp hành kỷ cương pháp luật còn kém.

Ông Đỗ Đức Thịnh cho biết thêm, với những khó khăn cả về khách quan và chủ quan như vậy thì việc xử lý các vi phạm Luật Đê điều trên địa bàn Hà Nội hiệu quả chưa cao.

Trong 3 tháng đầu năm 2016, toàn thành phố xảy ra 50 vụ vi phạm nhưng chỉ xử lý được 1 vụ; tỷ lệ xử lý vi phạm hàng năm khoàng 20- 25%, dẫn đến số vụ vi phạm tồn đọng tăng lên đến hàng nghìn vụ.

Hiện nay, số vụ tồn đọng trên toàn thành phố là 1577 vụ, trong đó một số địa phương còn tồn đọng khá nhiều, điển hình như huyện Ứng Hòa.

"Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cho Ủy ban Nhân dân thành phố những dự án gia cố lại mặt đê, mặt khác cũng nhiều lần quân giải tỏa vi phạm. Ủy ban Nhân dân huyện Ứng Hòa đã ra quân giải tỏa rất quyết liệt.

Cuối năm 2015, Ủy ban Nhân dân thành phố có kế hoạch giải tỏa trên toàn thành phố theo Quyết định 4862; một số quận, huyện đã làm rất tốt, trong đó có huyện Ứng Hòa.

Huyện Ứng Hòa ra quân tốt, song mới chỉ dừng lại ở dỡ bỏ mái vẩy, lều quán ở sát mặt đê mà không thể phá dỡ toàn bộ nhà dân trên đường hành lang, thậm chí cả một số đoạn ở má đê nên chỉ cắt xén để đảm bảo giao thông, trong điều kiện có thể chấp nhận được.

Như vậy, huyện mới chỉ được bước một là dỡ bỏ mái vẩy, bỏ lều lán ở sát mặt đê, song vẫn vi phạm vì nằm trong hành lang đê. Vì thế, "Ứng Hòa ra quân rất mạnh nhưng số vụ vi phạm không giảm," ông Đỗ Đức Thịnh cho hay.

Về phương án xử lý, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đã tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban Nhân dân thành phố cho phép làm đường hành lang ở những đoạn có thể giải phóng được, chưa bị lấn chiếm nhiều để vừa đảm bảo giao thông ở phía dưới, vừa không vi phạm về Luật Đê điều.

Còn ở những đoạn dân cư quá đông như thị trấn Vân Đình, đề xuất nắn tuyến, chuyển tuyến đê ra ngoài bãi.

Làm như vậy có thể giải quyết được vi phạm một cách thấu đáo và từ gốc, đó là giải pháp căn nguyên để ngăn chặn tình trạng vi phạm hiện nay.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp đối với những vi phạm có tính đặc thù ở huyện Ứng Hòa, trên địa bàn thành phố Hà Nội còn tồn tại nhiều vi phạm gây bức xúc chưa giải quyết dứt điểm như vi phạm về tập kết bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng, vi phạm xe quá tải chạy trên đê, đổ chất thải ra bãi sông, lòng sông...

Việc không giải tỏa được hoặc giải tỏa rất ít các vụ vi phạm về đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do người đứng đầu ở địa phương cũng như các đơn vị chức năng còn chưa quyết liệt, còn nể nang, né tránh dẫn đến vi phạm cũ chưa được xử lý vi phạm mới lại phát sinh.

Bên cạnh đó, một số cán bộ địa phương còn có tư tưởng quan hệ họ hàng, anh em, làng mạc nên không làm mạnh tay được.

Để giải quyết hiệu quả thực trạng này, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng cần quyết liệt vào cuộc, có biện pháp ngăn chặn, không để vi phạm xảy ra.

Các cơ quan liên quan như công an, thanh tra, cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý đê điều cần có sự phối hợp đồng bộ, có trách nhiệm trong xử lý vi phạm.

Ngoài ra, cần nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp, của thủ trưởng cơ quan liên quan./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục