Gần đây, các vụ vi phạm về xây dựng nhà ở trên đất rừng tại Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, đã thu hút sự chú ý của dư luận và báo động về tình trạng cấp phép trong hoạt động xây dựng. Có ý kiến cho rằng, việc phân cấp về các địa phương như hiện nay đang bộc lộ những bất cập tạo nên kẽ hở cho việc vi phạm.
Trước đó, trong thông tin được TTXVN đưa ngày 3/12 vừa qua liên quan tới việc vi phạm trật tự xây dựng tại rừng Sóc Sơn, ông Đào Việt Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm là do quy định pháp luật còn hạn chế, chưa bao trùm được thực tế.
Hay như lý giải về việc tại sao nhiều hộ dân ở Sóc Sơn xây dựng công trình trên đất rừng nhưng không phải xin phép xây dựng, ông Trần Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, theo quy định của pháp luật, từ ngày 1/1/2015, xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn không còn cần giấy phép xây dựng.
Vi phạm rõ ràng phải xử lý nhưng lại không có chế tài, cũng là nguyên nhân khiến hơn 5% công trình vi phạm xây dựng chưa được xử lý.
Trả lời TTXVN về trách nhiệm quản lý của các bên liên quan, ông Hoàng Quang Nhu, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cho biết, việc vi phạm trật tự trên đất rừng phòng hộ tại Sóc Sơn đã được nhiều cơ quan xem xét.
Cụ thể như kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2006; Kết luận của Thanh tra Hà Nội năm 2006; Kết luận của Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội năm 2013. Hiện Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo Thanh tra thành phố Hà Nội thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn.
[Sở Xây dựng Hà Nội chỉ rõ nguyên nhân vi phạm đất rừng Sóc Sơn]
Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực xây dựng, ông Nhu cho biết, thực trạng xây dựng công trình không phép, sai phép hiện nay tại một số địa phương vẫn còn xảy ra. Tuy nhiên, pháp luật về xây dựng hiện nay cũng quy định rõ ràng tại Điều 89 đến Điều 106 Chương V Luật Xây dựng năm 2014 về giấy phép xây dựng.
Ngoài ra, điều 164 Luật Xây dựng 2014 cũng quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các cấp trong quá trình thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn, ông Nhu dẫn chứng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng nhận xét, trách nhiệm đã được Luật phân định rất rõ. Riêng với công trình xây dựng trên đất lâm nghiệp (rừng phòng hộ) là sai. Không thể có câu chuyện đánh tráo khái niệm để đồng nghĩa sai phạm này với việc xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn nên không còn cần giấy phép xây dựng.
Theo Cục Quản lý hoạt động, một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định rất rõ tại Khoản 3 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013 là “không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích.” Do đó, hành vi xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp (rừng phòng hộ) là hành vi bị nghiêm cấm vì sử dụng đất không đúng mục đích.
Để hạn chế tình trạng vi phạm trật tự xây dựng nói chung, Bộ Xây dựng cho rằng cần thực hiện kịp thời một số giải pháp.
Trước tiên là rà soát thường xuyên, kịp thời văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để phát hiện những bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo trong quá trình thực hiện; tăng cường thanh tra, kiểm tra của chính quyền các cấp.
Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở.../.