Vì sao các trường học ở Nhật cần thay đổi, từ bỏ cách 'học vẹt'?

Liệu có phải ở Nhật Bản, các trường học tiếp tục nhấn mạnh vào cách "học vẹt", đòi hỏi sinh viên phải ghi nhớ những số liệu và công thức, thay vì thực hiện tư duy phản biện, giải quyết vấn đề?
Vì sao các trường học ở Nhật cần thay đổi, từ bỏ cách 'học vẹt'? ảnh 1Học sinh ở Nhật Bản. (Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images)

Ở Nhật Bản, các trường học tiếp tục nhấn mạnh vào cách học vẹt, đòi hỏi sinh viên phải ghi nhớ những số liệu và công thức, thay vì thực hiện tư duy phản biện, giải quyết vấn đề.

Koichi Hamada, giáo sư nghỉ hưu Đại học Yale và là cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nhận định như vậy về công tác giáo dục đào tạo. 

Nội dung bài viết được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate.

Kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng chương trình cải cách kinh tế Abenomics vào năm 2012, nền kinh tế Nhật Bản đã nhận được một sự thúc đẩy đáng kể. Tuy nhiên, công việc này vẫn chưa kết thúc.

Tôi đã có lần lập luận rằng 3 "mũi tên" của Abenomics - nới lỏng tiền tệ, mở rộng tài chính (thúc đẩy chi tiêu công), và một chiến lược tăng trưởng lâu dài - nên được đánh giá đạt điểm theo thứ tự là A, B và E.

Việc nới lỏng tiền tệ được đánh giá đạt điểm "A" cho dù, như những người chỉ trích chỉ ra, là mục tiêu lạm phát 2% còn lâu mới đạt được. Lý do là mục tiêu lạm phát chỉ là phương tiện để đạt mục đích: đó là toàn dụng lao động (hay trạng thái kinh tế theo đó tất cả mọi người trong lực lượng lao động đều có công ăn việc làm).

Về mặt này, Nhật Bản đã đạt được thành công lớn, tạo ra hơn 2,7 triệu việc làm kể từ khi "mũi tên" đầu tiên của chính sách kinh tế Abenomics được phóng đi.

Tỷ lệ giữa số công việc mới được tạo ra với số đơn xin việc hiện cao hơn mức trung bình - mặc dù vẫn dưới 50% - trong những lĩnh vực như công việc văn phòng, nơi việc tự động hóa đang thay thế con người và làm giảm mạnh mức lương.

Chính sách tài chính đạt điểm "B" do cùng với mục tiêu mở rộng tài chính, nó đã giúp chuyển nền kinh tế từ dư cung (sản xuất dư thừa) sang dư cầu (nhu cầu cao).

Ở mũi tên thứ ba, tức là chiến lược tăng trưởng dài hạn mà trụ cột là những cải cách về cơ cấu, chính sách kinh tế Abenomics có vẻ thực hiện chưa trọn vẹn, còn quá nhiều việc phải làm.

Một yếu tố chủ chốt của chiến lược tăng trưởng dài hạn có hiệu quả sẽ là giải quyết rào cản đối với tăng trưởng được áp đặt bởi tình trạng dân số đang già nhanh và co lại nhanh chóng của nước Nhật. Điều này có nghĩa phải đảm bảo không chỉ những người trẻ tuổi của đất nước có đủ công ăn việc làm, mà họ còn phải được đào tạo đầy đủ và hoàn toàn có khả năng gánh vác sức nặng của nền kinh tế. Nhằm mục tiêu đó, Nhật Bản cần phải đầu tư nhiều hơn nữa vào công tác giáo dục đào tạo.

Điều hiển nhiên này lại hiện không thấy ai nói tới ở Nhật Bản. Thay vào đó, chính quyền Abe hiện đặt ưu tiên cao vào giáo dục mẫu giáo - một đường hướng được hỗ trợ bởi nghiên cứu do nhà kinh tế đoạt giải Nobel, James Heckaman, tiến hành, theo đó cho thấy đầu tư vào giáo dục mẫu giáo sẽ đem lại những lợi ích to lớn.

[Nhật Bản hé mở cánh cửa hẹp cho lao động nước ngoài]

Tuy nhiên, có một khía cạnh trong nghiên cứu của Heckman mà Nhật Bản có thể không thực hiện được. Theo Heckman (trong nghiên cứu được tiến hành chung với nhà kinh tế Jora Stixrud và giáo sư Sergio Urzua), những kỹ năng không thuộc về lĩnh vực nhận thức như thái độ hợp tác cũng có tầm quan trọng như những kỹ năng thuộc về nhận thức, như kỹ năng đọc và toán học, trong việc cải thiện năng suất của thị trường lao động, do chúng giúp tăng cường khả năng đưa ra sáng kiến và khẳng định vai trò lãnh đạo có hiệu quả.

Tuy nhiên, ở Nhật Bản, các trường học hiện tiếp tục nhấn mạnh vào cách "học vẹt", đòi hỏi sinh viên phải ghi nhớ những số liệu và công thức, thay vì thực hiện tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, và tìm giải pháp cho xung đột, mâu thuẫn. Điều này gây phương hại cho tính sáng tạo và năng suất, kể cả trong những hoàn cảnh thuận lợi nhất. Tuy nhiên, nó còn có hại hơn vào một thời điểm khi tự động hóa đang lấy đi ngày càng nhiều công ăn việc làm.

Như một phần của chiến lược tăng trưởng dài hạn, Nhật Bản phải xem xét lại đường hướng tiếp cận đối với vấn đề giáo dục đào tạo. Như một số gợi ý cho việc làm này, phải chăng nên xem xét những ý tưởng của nhà soạn nhạc quá cố người Hungary, Zoltán Kodály.

Phương pháp đào tạo âm nhạc của Kodály không chỉ đơn thuần dạy cho một đứa trẻ nên có những động tác nào khi đọc hay chơi một bản nhạc. Thay vào đó, nó cho phép trẻ em, ngay từ rất bé, phát triển một mối quan hệ với âm nhạc bằng cách hát hay tiếp cận âm nhạc.

Quá trình đó không cứng nhắc một chút nào: ví dụ, phương pháp giảng dạy của ông khuyến khích cả nhóm học sinh hát không cần phải đúng từng nốt nhạc được viết ra, nhằm giúp tăng mối giao tiếp trong nội bộ nhóm.

Phương pháp của Kodály có một số điểm giống với phương pháp Suzuki, do nghệ sỹ violon Nhật Bản Shinichi Suzuki sáng tạo ra, với chương trình giảng dạy giống như một quá trình học ngôn ngữ hoàn toàn tự nhiên.

Vì sao các trường học ở Nhật cần thay đổi, từ bỏ cách 'học vẹt'? ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Ở cả hai phương pháp này, cách thức để trẻ em thực sự tư duy và phát triển nhạc cảm - hơn là sử dụng những quy tắc và cấu trúc cứng nhắc - chính là cái chỉ đạo quá trình học hỏi.

Ở Nhật Bản - nơi điểm số đạt được về mặt nhận thức, lý thuyết suông hiện được nhấn mạnh quá mức trên cả việc phát triển con người một cách tổng thể - phương pháp giảng dạy nghệ thuật theo kiểu này, trong đó có âm nhạc, không những có thể giúp nâng cao khả năng đánh giá thẩm định cái đẹp, mà còn giúp gia tăng trí tưởng tượng, thái độ hợp tác, đầu óc sáng kiến, tính cách lãnh đạo, sự chia sẻ, và cảm thông giữa các cá nhân với nhau.

Và cách thức phát triển việc học hỏi của trẻ em này cũng có thể được áp dụng cho những chủ đề khác, giúp trẻ em có thể có thêm thời gian tiếp xúc với những gì thực tế cũng như giao tiếp với nhau.

Một chiến lược tăng trưởng lâu dài có hiệu quả, ở Nhật Bản hay ở bất kỳ đâu, phải thừa nhận một điều rằng không một ai có thể nhớ được nhiều điều hơn một cái máy. Thay vào đó, một chiến lược như vậy phải tận dụng tối đa những gì con người - và chỉ có con người - có thể làm tốt nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục