Vì sao cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức lại thi công chậm?

Đại diện nhà thầu thi công công trình Bệnh viện Việt Đức, ông Lê Tiến Ngọc cho hay nhà thầu cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ để cuối tháng Bảy có thể bàn giao cho Bệnh viện Việt Đức đưa vào vận hành.
 Vì sao cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức lại thi công chậm? ảnh 1Một số hạng mục tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cơ sở 2 đang hoàn thiện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Gần đây, có thông tin phản ánh về việc cơ sở 2 của hai bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ở thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam bị chậm tiến độ đưa vào hoạt động.

Sáng 9/7, trong chuyến công tác tại tỉnh Hà Nam Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tới thị sát trực tiếp tại cơ sở 2 của hai bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ở thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Nhiều hạng mục công trình chưa hoàn thiện

Tại cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai đã vận hành Khoa khám bệnh ngoại trú. Ông Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, có những ngày Khoa Khám bệnh của bệnh viện đón tiếp tới 800 bệnh nhân. Hiện nay, trung bình mỗi ngày Khoa này khám cho khoảng 380-400 bệnh nhân.

[Thông tin về tiến độ các bệnh viện đặc biệt tại tỉnh Hà Nam]

Để đảm bảo hoạt động của Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai các phương án về cửa hàng phục vụ ăn uống cho người bệnh, người nhà bệnh nhân và cả nhân viên. Song song với đó, các máy bán hàng tự động cũng được lắp đặt để phục vụ các nhu cầu của bệnh nhân, người nhà.

 Vì sao cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức lại thi công chậm? ảnh 2Bộ trưởng Bộ Y tế thị sát tại cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Kiểm tra thực tế một số hạng mục, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu lãnh đạo bệnh viện và ban quản lý dự án cùng các nhà thầu, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ của những hạng mục công trình còn chưa hoàn thiện.

Đồng thời Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai điều tiết công tác khám chữa bệnh giữa cơ sở 1 (tại Hà Nội) và cơ sở 2 để tránh tình trạng nơi thì quá đông bệnh nhân, nơi lại chưa phát huy hết công năng.

Tại cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nhiều hạng mục đang được Chủ đầu tư và Ban quản lý dự án tiếp tục thi công. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu ban Quản lý dự án y tế trọng điểm của Bộ phối hợp với đơn vị thi công và các đơn vị liên quan tiến hành công tác vệ sinh sạch sẽ để lắp đặt trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác khám chữa bệnh tại những khoa, phòng đã hoàn thành.

 Vì sao cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức lại thi công chậm? ảnh 3Khu sảnh khám bệnh đã hoàn thiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với những hạng mục công trình còn dang dở, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ đảm bảo công trình được hoàn thiện và đưa vào sử dụng một cách sớm nhất.

Đại diện nhà thầu thi công công trình Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ông Lê Tiến Ngọc cho hay, nhà thầu cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ để cuối tháng Bảy có thể bàn giao cho Bệnh viện Việt Đức đưa vào nghiệm thu và vận hành.

Tránh chồng chéo giữa các bệnh viện

Tại cuộc làm việc buổi chiều cùng ngày giữa Bộ Y tế và Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết các cơ sở 2 của bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức được khởi công từ năm 2015, được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu.

“Trong quá trình triển khai đã có hai lần điều chỉnh cắt giảm vốn đầu tư, mỗi lần 10% và mỗi lần cắt giảm đều phải điều chỉnh lại thiết kế. Theo Luật Xây dựng, các công trình xây dựng bệnh viện đều phải được Bộ Xây dựng thẩm định, việc thẩm định cho đến nay vẫn chưa được hoàn tất. Việc xây dựng bệnh viện không thể nhanh như những công trình dân dụng thông thường. Ngay khi công trình được xây dựng xong thì việc lắp đặt, vận hành trang thiết bị; việc triển khai các quá trình khám chữa bệnh cũng phải được thẩm định và kiểm tra chặt chẽ,” Bộ trưởng Bộ Y tế phân tích.

 Vì sao cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức lại thi công chậm? ảnh 4Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu trong buổi làm việc với Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh và Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Đồng Văn Hệ khẳng định hai bệnh viện đã sẵn sàng về nhân sự và trang thiết bị để khi nhận được bàn giao các phần diện tích hoàn thiện của công trình sẽ triển khai ngay hoạt động khám và chữa bệnh tại đây.

Người đứng đầu ngành y tế chỉ đạo lãnh đạo hai bệnh viện cần đưa những cán bộ y tế giỏi về các cơ sở hai để đảm bảo sớm đưa vào vận hành trơn tru hai cơ sở này.

Làm việc với Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng với những khó khăn, tồn tại hiện nay của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, đòi hỏi bản thân bệnh viện của tỉnh phải nỗ lực để thay đổi, phát triển thêm kỹ thuật cao, đồng thời tăng cường truyền thông để người dân biết đến các kỹ thuật bệnh viện đã thực hiện thành công để hút người dân đến khám chữa bệnh.

 Vì sao cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức lại thi công chậm? ảnh 5Người dân khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, ngày 9/7. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước lo lắng của bệnh viện về việc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức 2 và Bệnh viện Bạch Mai 2 sẽ thu hút bệnh nhân của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng bệnh viện cần biến thách thức khi có cơ sở 2 của hai bệnh viện lớn là Bệnh viện Việt Đức 2 và Bệnh viện Bạch Mai 2 trên địa bàn tỉnh Hà Nam thành cơ hội để học tập, trau dồi chuyên môn.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Phải tạo điều kiện cho bệnh viện tỉnh phát triển, thậm chí Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức phải chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho các bệnh viện tuyến tỉnh của Hà Nam. Quan điểm của Bộ Y tế là Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam tập trung phát triển kỹ thuật chuyên sâu, thành lập Khoa Khám chữa bệnh quốc tế, nên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam cứ yên tâm. Các bệnh viện phải phối hợp với nhau, tránh chồng chéo”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục