Vì sao công nhân Ximăng Lào Cai đình công?

Tại Công ty cổ phần Ximăng Lào Cai từ mấy ngày nay, nhiều công nhân phân xưởng sản xuất ximăng đồng loạt không đến nhà máy làm việc.
Không khí im lặng bao trùm khắp Công ty cổ phần Ximăng Lào Cai từ mấy ngày nay. Nhiều công nhân phân xưởng sản xuất ximăng đồng loạt không đến nhà máy làm việc.

Anh em công nhân bức xúc nói: "Chúng tôi chỉ chỉ tiếp tục đi làm việc khi nào công ty giải quyết thấu tình đạt lý, đảm bảo miếng cơm manh áo cho người lao động."

Bức xúc chồng lên bức xúc

Công ty cổ phần Ximăng Lào Cai có gần 400 công nhân, trong đó phân xưởng sản xuất chính chiếm 50% quân số. Theo đa số công nhân, mặc dù đã là tháng 9/2009, nhưng họ mới được lĩnh lương tháng 5. Lương các tháng 6, 7, 8 không biết bao giờ mới có.

Trong khi đó, đây cũng là thời điểm con em của họ bắt đầu bước vào năm học mới với nhiều khoản đóng góp mà cha mẹ chúng không biết xoay sở từ đâu.

Trước sức ép của công nhân, sáng 7/9, công ty triệu tập cuộc họp khẩn để Ban giám đốc - trực tiếp là ông Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Công Đường chủ trì nhằm đối thoại trực tiếp với công nhân trước sự chứng kiến của phóng viên.

Cuộc họp cho thấy còn 4 vấn đề căn bản mà công nhân vẫn muốn được làm sáng tỏ. Đó là sự thiếu công khai minh bạch trong giải quyết chế độ lương, bảo hiểm xã hội khiến nợ đọng kéo dài; lãnh đạo công ty sử dụng vốn đầu tư làm thủy điện nhưng đều thất bại, gây thất thoát, lãng phí; hơn 1 năm nay người lao động đã đóng cổ phần nhưng chưa được phát cổ phiếu; việc điều chuyển công tác đối với ông Hồ Đình Lương.

Theo ý kiến của công nhân, việc điều chuyển ông Hồ Đình Lượng, Phó giám đốc, chủ tịch công đoàn kiêm quản đốc phân xưởng sản xuất ximăng lên chi nhánh Lai Châu là việc làm không thể chấp nhận được.

Bởi lẽ, ông Lượng là kỹ sư silicat, có trình độ, kinh nghiệm, hết lòng vì công việc, đặc biệt biết chia sẻ những vất vả, khó khăn với công nhân, đồng thời cũng là người biết chèo lái để phân xưởng hoạt động mặc dù “thoi thóp” để người lao động có được việc làm. Trong khi đó, Ban giám đốc lại điều chuyển một quản đốc khác mà theo công nhân là người thiếu trình độ chuyên môn về công nghệ sản xuất ximăng.

Ông Tô Tiến Dũng, Trưởng ngành liệu (phân xưởng sản xuất ximăng) nói: "Việc ông giám đốc bất ngờ có quyết định điều chuyển một người hoàn toàn không có chuyên môn về quản lý phân xưởng sản xuất ximăng thay ông Hồ Đình Lượng liệu có thúc đẩy được hoạt động sản xuất hay không?"

Ông Nguyễn Văn Tình, trưởng ngành thành phẩm, bức xúc: "Đã hơn một năm, công ty chưa phát cổ phiếu cho công nhân, như vậy có phải lừa người lao động? Nếu không phát cổ phiếu được thì phải trả lại tiền mà công nhân đã đóng góp. Yêu cầu lãnh đạo công ty phải có trách nhiệm trong việc để sản xuất kinh doanh của công ty liên tục thua lỗ."

Công nhân Lê Quốc Hưng cho rằng: "Đã có cuộc họp giám đốc nói phải đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác thì công ty mới phát triển, nhưng hiện tại dường như việc đầu tư đều thất bại. Tiền không có, đến nỗi những thứ vật tư nhỏ nhất như ốc vít đến dầu, lốp xe ôtô cũng không thể mua nổi, phân xưởng luôn phải 'giật đầu cá, vá đầu tôm' để duy trì cho dây chuyền hoạt động."

Giám đốc hứa sẽ tìm ra “lối thoát”

Ông Nguyễn Công Đường, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Bí thư Đảng bộ, Giám đốc công ty cho rằng, việc điều ông Hồ Đình Lượng sang Lai Châu là chủ trương của ban giám đốc và theo nguyện vọng của cá nhân nhằm vực dậy chi nhánh bên đó. Bất kỳ ai được điều động thay ông Lượng đều phải tuân thủ mục tiêu mà công ty đã theo đuổi là “đảm bảo cho cuộc sống của công nhân”.

Hiện công ty phải đối mặt với thách thức là năm 2010 phải đóng cửa nhà máy ximăng lò đứng, mà theo tính toán để đầu tư xây dựng nhà máy ximăng lò quay sẽ cần đến trên 500 tỷ đồng thì công ty không có khả năng.

Do vậy, việc đầu tư sang các lĩnh vực mới (thủy điện) là để đề phòng khi nhà máy đóng cửa vẫn có nguồn thu nhằm đóng bảo hiểm cho công nhân. Việc đầu tư thủy điện đều được ban chấp hành Đảng bộ công ty, Hội đồng quản trị nhất trí nhưng cái khó nhất là không có người quản lý.

Một vài năm trở lại đây sản xuất kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn, thua lỗ bởi thị trường tiêu thụ sản phẩm ximăng Lào Cai bị thu hẹp, hiện chỉ chiếm 30% thị phần Lào Cai. Năm 2009, trung bình mỗi tháng công ty chỉ sản xuất được 4.000 tấn ximăng, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2008 và đang phải chịu lỗ 19.000 đồng/tấn sản phẩm trong khi đó giá than tăng 200%, điện 8%, đá 200%...

Hiện sản xuất đang rất khó khăn nên việc trả lương cho công nhân và các chế độ bị chậm. Với trách nhiệm là giám đốc, ông Đường cam kết trong tháng 9 sẽ thanh toán toàn bộ lương các tháng mà công ty còn nợ công nhân.

Còn việc công nhân chưa nhận được cổ phiếu là do đến nay vẫn còn 1,8 tỷ đồng cổ phần chưa bán được. Do chưa nộp đủ tiền cổ phần cho nên kho bạc chưa thể phát hành cổ phiếu. Công ty sẽ xin ý kiến của Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp của tỉnh để giải quyết vấn đề cổ phần, cổ phiếu.

Bước nhượng bộ đáng kể là ông Đường đã rút lại quyết định điều chuyển ông Hồ Đình Lượng sang Lai Châu. Chính vì vậy, công nhân đã trở lại làm việc sau gần 2 ngày đình công./.

Văn Toán - Thanh Hải (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục