Vì sao học sinh các nước Đông Á vượt xa học sinh phương Tây?

Trong những năm qua, vị trí các nước khác đã có nhiều thay đổi trong bảng xếp hạng, nhưng nền giáo dục Đông Á bao gồm Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn tiếp tục chiếm ưu thế.
Vì sao học sinh các nước Đông Á vượt xa học sinh phương Tây? ảnh 1Một học sinh Nhật Bản đang làm bài tập. (Nguồn: Reuters)

Kết quả đánh giá mới đây nhất của Nghiên cứu về Xu hướng trong Toán học và Khoa học Quốc tế (TIMSS) và Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) đã được công bố và một lần nữa, các nước Đông Á lại đứng đầu ở cả hai bài kiểm tra đánh giá.

Trong những năm qua, vị trí của các nước khác đã có nhiều thay đổi trong bảng xếp hạng, nhưng nền giáo dục Đông Á - bao gồm Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản - vẫn tiếp tục chiếm ưu thế. Và khoảng cách giữa các quốc gia này với các nước khác trên thế giới đang được nới rộng thêm.

Đã có nhiều tranh luận xoay quanh lý do vì sao các nước Đông Á lại vượt xa các nước khác trong giáo dục. Về cơ bản, những lý do này quy tụ lại trong 4 yếu tố sau đây.


1. Văn hóa và tâm thế

Người dân các nước Đông Á đề cao giá trị của giáo dục và tin rằng nỗ lực mới là chìa khóa tới thành công, chứ không phải khả năng bẩm sinh. Các nhà nghiên cứu Đông Á thường chỉ ra điều này như yếu tố quan trọng nhất lý giải cho kết quả kiểm tra xuất sắc của các nước này.

Phương diện tích cực của cách tiếp cận này tới giáo dục là việc trông đợi thành công từ phần lớn học sinh. Người học không bị xếp loại và phân chia thành các nhóm dựa trên khả năng.

Tại các nước Đông Á, mọi học sinh đều có quyền tiếp cận chương trình học như nhau, điều này có nghĩa là sẽ có nhiều học sinh có cơ hội đạt điểm số cao hơn.

Việc học tập chính thức cũng được bổ sung thêm bằng các lớp học thêm sau giờ học - thậm chí nhiều trẻ còn học thêm vào buổi tối. Ngoài 2 giờ làm bài tập về nhà mỗi ngày, một số học sinh còn dành khoảng 3 giờ cho các buổi học thêm và làm bài tập bổ sung.

Cách thức ôn luyện sau giờ học này có thể đạt được kết quả, tuy nhiên ta cũng cần lưu ý rằng ở nhiều nước Đông Á, các nhà giáo dục tỏ ra lo ngại về chất lượng và ảnh hưởng tiêu cực của kiểu học “nhồi nhét” đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ nhỏ.

Nhiều nghiên cứu xem xét trải nghiệm của trẻ em học thêm cho thấy mức độ stress cao và cảm giác áp lực đối với cả học sinh lẫn phụ huynh.

2. Chất lượng giáo viên

Nghề giáo là một nghề được tôn trọng ở Đông Á, nơi có sự cạnh tranh gay gắt về việc làm, điều kiện phục vụ tốt, thời gian đào tạo dài và nhiều hỗ trợ cho việc phát triển nghiệp vụ tiếp diễn và chuyên sâu.

Ở Thượng Hải, khối lượng giảng dạy của giáo viên thấp hơn nhiều so với ở Anh, dù lớp có đông học sinh hơn. Họ cũng sử dụng các giáo viên chuyên dạy toán ở cấp tiểu học, những người này dạy 2 tiết, mỗi tiết kéo dài 35-40 phút một ngày.

Điều này cho giáo viên thời gian chuẩn bị, hoặc cơ hội hỗ trợ thêm cho những học sinh cần được giúp đỡ, cùng với đó là thời gian để phát triển nghiệp vụ trong các nhóm nghiên cứu của giáo viên.

Ở Nhật Bản, “nghiên cứu giờ học” được áp dụng tại các trường tiểu học. Hoạt động này bao gồm việc giáo viên lên kế hoạch cho các bài học được thiết kế cẩn thận, quan sát quá trình dạy học của đồng nghiệp, sau đó rút ra các bài học từ những quan sát đó. Nghiên cứu giờ học cũng cho giáo viên thời gian để nghiên cứu và cùng nhau phát triển chuyên môn.

3. Sử dụng giáo cụ trực quan

Một điều rất trớ trêu là phần lớn cơ sở lý thuyết của giáo dục Đông Á chịu rất nhiều ảnh hưởng từ các nghiên cứu và phát triển ở phương Tây.

Chẳng hạn, lý thuyết các giai đoạn thể hiện của Jerome Bruner trong đó cho rằng người học cần có những trải nghiệm trực quan về một khái niệm nào đó, sau đó là thể hiện bằng hình ảnh, được coi là một cơ sở cho việc học các công thức biểu tượng hoặc ngôn ngữ.

Điều này đã được áp dụng ở Singapore bằng việc tập trung vào các mô hình trực quan, hình ảnh và trừu tượng trong việc học toán. Chẳng hạn như việc sắp xếp các dụng cụ học đếm thành hàng 5 để học bảng cửu chương 5, sau đó sử dụng tranh ảnh hình bàn tay mà mỗi bàn tay có 5 số, trước khi viết các số nhân bằng chữ, sau đó bổ sung thêm số và các dấu nhân và dấu bằng.

4. Một sự thúc đẩy đồng bộ

Vào những năm 1970, kết quả giáo dục của Singapore bị tụt hậu so với thế giới - sự chuyển mình của giáo dục Singapore đạt được là nhờ những thay đổi mang tính hệ thống ở cấp độ quốc gia, bao gồm phát triển chương trình học, sách giáo khoa phổ thông và giáo dục giáo viên đang và chuẩn bị tham gia dạy học.

Tương tự, ở Thượng Hải và Hàn Quốc, những thay đổi và cải tiến về giáo dục được lên kế hoạch và chỉ đạo ở cấp quốc gia. Điều này có nghĩa là tất cả các trường đều sử dụng các tài liệu trong chương trình học được chính phủ thông qua, các yêu cầu đầu vào để trở thành giáo viên cũng nhất quán hơn, và có ít loại hình trường học khác nhau hơn so với ở Anh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục