Vì sao khó xử lý xe Limousine “núp bóng” hợp đồng chở khách?

Xe Limousine “núp bóng” hợp đồng vào nội đô đón, trả khách

Đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước thừa nhận, việc xử lý xe khách trá hình dưới hình thức xe hợp đồng, đặc biệt là xe Limousine, xe VIP gặp nhiều khó khăn.
Xe Limousine “núp bóng” hợp đồng vào nội đô đón, trả khách ảnh 1Thanh tra giao thông vận tải Hà Nội kiểm tra xe Limousine chạy quanh cổng sau khu vực Big C. (Ảnh: Đức Hùng/Vietnam+)

Sau khi các nhà xe điều chuyển luồng tuyến từ bến xe Mỹ Đình về Nước Ngầm “tố” xe hợp đồng, “xe dù, bến cóc” đã “giết chết” doanh nghiệp và đứng bên bờ vực phá sản, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã ra quân xử lý các loại phương tiện này.

Tuy nhiên, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước thừa nhận, việc xử lý xe khách trá hình dưới hình thức xe Limousine, xe VIP gặp nhiều khó khăn. Khi kiểm tra, hợp đồng vận chuyển đầy đủ, hành khách và nhà xe bất hợp tác nên chỉ xử lý được lỗi dừng đỗ, đón trả khách sai quy định.

Mật phục “tóm” xe sang Limousine

Theo chân tổ công tác của Đội Vận tải, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội trong ngày 2/3 vừa qua, ghi nhận của phóng viên cho thấy, tình trạng xe dù "bến cóc" ở Mỹ Đình gia tăng nhanh sau khi điều chuyển, đặc biệt nở rộ nhiều xe Limousine hợp đồng hoạt động trá hình.

[Quản lý luồng tuyến xe khách Hà Nội: Đang trong vòng luẩn quẩn?]

Tại quận Cầu Giấy, lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm các xe mang phù hiệu hợp đồng biển kiểm soát 17B-012.43 của Công ty Giỏ Hoa, Xí nghiệp Vận tải hành khách Thái Thụy (Thái Bình) đã bị tạm giữ do đón trả khách nơi cấm dừng đỗ và lái xe không có bằng hợp lệ. Hoặc như xe mang Biển kiểm soát 36B-025.98 đón trả khách không đúng trong hợp đồng, không có giấy phép lái xe, phạt tiền 5,5 triệu đồng…

Tuy nhiên, các tổ công tác Thanh tra Giao thông Vận tải Hà Nội đều vất vả và khó xử lý những xe hợp đồng Limousine (xe sang trọng loại 8 chỗ ngồi trở lên) với nhiều tiện nghi mới về chất lượng dịch vụ đang hoạt động ngày càng tinh vi.

Đơn cử như trường hợp chiếc xe 10 chỗ mang biển kiểm soát 19B-010.23 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại Nam Cường bị lập biên bản khi dừng đón khách tại văn phòng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Holland, số 82 phố Nguyễn Chánh (Cầu Giấy) khi đoạn đường này đã có biển cấm dừng đỗ.

Dù đã có đoạn clip ghi lại cảnh hành khách cất hành lý, sau đó lên xe ngồi chờ, lái xe vẫn một mực không chấp hành lỗi vi phạm và chỉ chấp nhận hành vi dừng đỗ xe trước cửa văn phòng công ty. Tổ công tác phải yêu cầu lái xe đưa xe về trụ sở Đội để làm việc.

Cách đó không xa, phía sau cổng khu vực Big C, tổ công tác Thanh tra giao thông Vận tải Hà Nội cũng xử lý xe khách Limousine Biển kiểm soát 19B-010.43 cũng của của Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại Nam Cường với hợp đồng xe ghi vận chuyển 5 người giá trị 600.000 đồng bằng nét chữ được đánh máy vi tính. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã ghi thêm tên 1 hành khách bằng bút bi và tẩy xóa số lượng từ 5 lên thành 6 người.

Theo thống kê của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, từ ngày 21/2-2/3, lực lượng thanh tra đã xử lý được 55 trường hợp xe dù, xe hợp đồng vi phạm các lỗi chở khách, dừng đỗ và không có giấy phép lái xe. Chỉ riêng trong ngày 2/3 vừa qua, đã có 23 trường hợp xe khách bị xử lý với các lỗi dừng đỗ, đón trả khách sai quy định, trong đó 22 chiếc là xe mang phù hiệu hợp đồng, chỉ có 1 chiếc là xe khách cố định.

Phó đội trưởng Đội thanh tra cơ động Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Sỹ Việt Bắc cho biết, xe của Thanh tra đi từ cổng Đội ra thì cánh xe ôm ngay trước cửa đã thông báo cho nhà xe biết để né tránh. Vì vậy, Đội đã phải dùng xe máy, xe ôtô cá nhân để “mật phục” nhằm bắt các xe dù, xe hợp đồng hoạt động trá hình xung quanh khu vực bến xe và các tuyến đường gần bến.

"Trong thời gian trước và sau Tết Nguyên Đán, lực lượng Thanh tra đã liên tục ra quân chấn chỉnh các vi phạm của xe dù, bến cóc, xe hợp đồng. Các cán bộ thanh tra trong 3 tháng vừa qua không có ngày nghỉ," ông Bắc nhấn mạnh.

Sẽ có đề án quản lý

Đại diện Đội Vận tải, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, việc xử lý xe khách trá hình dưới dạng thức xe Limousine, xe VIP gặp nhiều khó khăn. Khi kiểm tra, hợp đồng vận chuyển đầy đủ, hành khách và nhà xe bất hợp tác, cùng lắm chỉ xử lý được lỗi dừng đỗ, đón trả khách sai quy định.

Bày tỏ quan ngại khi lực lượng tuần tra, kiểm soát trên đường rất khó khăn với loại xe hợp đồng Limousine, ông Trần Đăng Hải, Chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, theo Thông tư 63 của Bộ Giao thông Vận tải, khi nhà xe xuất trình được hợp đồng ký kết thì đã chứng minh được tính hợp lý của mình, lực lượng thanh tra chỉ xử lý được lỗi dừng đỗ trái phép (nếu có).

Xe Limousine “núp bóng” hợp đồng vào nội đô đón, trả khách ảnh 2Thanh tra tiến hành lập biên bản xe Limousine dừng đỗ, đón trả khách sai quy định. (Ảnh: Đức Hùng/Vietnam+)

Khẳng định để chứng minh được xe hợp đồng trá hình xe khách và xử phạt nhà xe là rất khó, ông Hải cho biết, lực lượng thanh tra Hà Nội thì chỉ biết xe chạy trên địa bàn Hà Nội, còn chạy theo một lộ trình nhất định hàng ngày từ đâu đến thì lại phải Thanh tra giao thông vận tải của các tỉnh, thành phố khác cùng vào cuộc.

[Nhà xe bị điều chuyển luồng tuyến: Lỗ quá sức chịu đựng!]

Nhằm quản lý và siết chặt xe hợp đồng Limousine phát triển “nở rộ”, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phải đề xuất Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu đề án quản lý hoạt động xe hợp đồng Limousine.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã hình thành và phát triển mạnh mẽ loại hình xe hợp đồng Limousine ở nhiều địa phương. Các phương tiện này hàng ngày đều chạy theo một tuyến nhất định kết nối các khu đô thị và các vùng phụ cận, đặc biệt là giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận và ngược lại, hoạt động vào một số khung giờ cố định trong ngày.

“Các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý đối với các phương tiện này do không đủ lực lượng để thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động. Ngay chính đường dây nóng của Tổng cục đã tiếp nhận nhiều phản ánh về hoạt động của loại hình phương tiện này ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định,” bà Hiền nói.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cũng đưa ra hàng loạt các vấn đề “hóc búa” với loại xe này khi đề cập đến cơ chế giám sát việc thực hiện hợp đồng vận chuyển đúng hay không? đơn vị có đang sử dụng hợp đồng khống hay không? nhà xe có đang thực hiện thu tiền của từng hành khách hay thu tiền theo hợp đồng?... cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Do đó, Tổng cục Đường bộ đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho phép phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu xây dựng đề án nghiên cứu, đánh giá toàn diện và có biện pháp quản lý hoạt động đối với loại hình xe hợp đồng Limousine, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các đơn vị kinh doanh vận tải và giữa các loại hình vận tải./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục