Vì sao Nhật Bản mở rộng cánh cửa cho lao động nước ngoài?

Cùng với sự nổi lên của Trung Quốc và Đông Nam Á, Nhật Bản phải thực tế hơn và nhìn nhận thẳng thắn là nước này cần lao động nước ngoài hơn là lao động nước ngoài cần Nhật Bản.
Vì sao Nhật Bản mở rộng cánh cửa cho lao động nước ngoài? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: dw.com)

Tạp chí The Diplomat số ra gần đây có bài viết với tiêu đề “Nhật Bản đang mở rộng cánh cửa cho lao động nước ngoài.”

Bài viết cho rằng việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm mở rộng tiếp nhận nhóm lao động nước ngoài có tay nghề thấp là sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách của nước này.

Theo đó, Thủ tướng Abe hôm 5/6 đã công bố kế hoạch thu hút 500.000 lao động nước ngoài đến nước này vào năm 2025 nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động thường xuyên trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng và chăm sóc người cao tuổi.

Thành công của chính sách kinh tế Abenomics trong tương lai có thể nói là đang phụ thuộc nhiều vào chính sách nhập cư. Không có chính sách nhập cư phù hợp, tình trạng thiếu lao động sẽ cản trở sự phát triển bền vững của kinh tế Nhật Bản.


[Nhật Bản thông qua kế hoạch thu hút lao động nước ngoài]

Chính quyền ông Abe đang phải vật lộn với khả năng có thể thiếu hụt tới 7,9 triệu lao động vào năm 2030, cùng với chi phí an sinh xã hội gia tăng do tình trạng dân số già.

Để duy trì dân số ở mức 100 triệu người, theo lý thuyết, Nhật Bản phải chấp nhận một con số khổng lồ khoảng 200.000 người nhập cư mỗi năm, và tỷ lệ sinh phải nâng từ mức 1,42 thành 2,07 vào năm 2030.

Mục tiêu thu hút 500.000 lao động nước ngoài vào năm 2025 được ông Abe đưa ra, đồng nghĩa với việc trong vòng 7 năm, mỗi năm Nhật Bản sẽ tiếp nhận trung bình 71.430 lao động.

Tháng 2 năm nay, ông Abe đã yêu cầu các nhà lập pháp xem xét lại các điều luật liên quan nhằm giúp Nhật Bản thu hút được nhiều lao động chất lượng cao.

Theo đó, một dự luật liên quan tới lĩnh vực lao động sẽ là bản phác thảo chính sách kinh tế mới của ông Abe. Luật này sẽ đưa ra một loại thị thực mới giúp bổ sung lao động nước ngoài cho 5 lĩnh vực và dự kiến có hiệu lực vào tháng 4/2019.

Các nhà kinh tế Nhật Bản từ lâu đã tìm cách đẩy mạnh thu hút lao động, người nhập cư vào nước này. Tuy nhiên, việc này đã gặp nhiều trở ngại do đây là vấn đề chính trị nhạy cảm xuất phát từ các nỗi e ngại tội phạm gia tăng, sự phản ứng dữ dội của người dân giống như ở các nước châu Âu.

Kế hoạch thu hút lao động mới nhất mà ông Abe tuyên bố là một sự thay đổi đáng kể cách thức tiếp nhận lao động nước ngoài của Nhật Bản. Chính sách này được cho là cách mà Nhật Bản “gián tiếp” thu hút thêm lao động nước ngoài, cùng với việc nới lỏng thời hạn thị thực của lao động nước ngoài từ 3 năm, có thể gia hạn lên 5 năm, nhưng vẫn duy trì việc cấm mang theo các thành viên trong gia đình.

Tuy nhiên, rõ ràng đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi những lao động dù được gia hạn thị thực lên 5 năm cuối cùng họ vẫn phải trở về nhà. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào năm 2014, ông Abe cho biết Nhật Bản không chấp nhận chính sách nhập cư giống như Mỹ, tức là lao động được ở lâu dài.

Giáo sư Toru Shinoda, một chuyên gia quan hệ lao động tại Đại học Waseda ở Tokyo, cho rằng đề xuất mở rộng lực lượng lao động nước ngoài là một hướng đi đúng đắn trong việc đảm bảo tương lai của đất nước, tuy nhiên, chính sách này đã bị hiểu sai bởi một nguyên tắc huyền thoại của nước này đó là tính đồng nhất dân tộc.

Ông Shinoda cho biết trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai, trong lịch sử, Nhật Bản đã từng chấp nhận khoảng 1 triệu người nhập cư và đưa 100.000 người nước này định cư khắp thế giới. Ông tin rằng như vậy không có gì bất thường nếu Nhật Bản mở rộng thu hút người nhập cư, song để đạt được một xã hội đồng nhất cần mất thêm nhiều bước đi hơn nữa.

Dù bị đánh giá là một người bảo thủ, nhưng ông Abe đã phải ủng hộ chính sách mở rộng nhập cư đầu tiên của Nhật Bản và giải quyết các vấn đề kinh tế thông qua những cải cách chế độ lao động trong nước như khuyến khích phụ nữ lao động, ủng hộ việc những người nghỉ hưu tái gia nhập lực lượng lao động...

Sáng kiến về “Phụ nữ” được ông Abe công bố hồi năm 2015 với mục tiêu ban đầu đầy tham vọng là đưa tỷ lệ nữ chiếm 30% các vị trí lãnh đạo trong mọi lĩnh vực vào năm 2020. Tuy nhiên, tại các doanh nghiệp, đây là mục tiêu không thực tế, vì vậy tỷ lệ này đã phải giảm xuống còn 15% vào năm 2025.

Ông Shinoda cho rằng Chương trình thực tập sinh kỹ thuật mà Nhật Bản đang triển khai để thu hút lực lượng lao động trẻ đến từ những quốc gia đang phát triển như Indonesia, Việt Nam và Philippines chỉ là hình thức thu hút lao động giản đơn, không đặt mục tiêu chính là đào tạo và xây dựng kỹ năng, trong bối cảnh thiếu lao động ở nước này.

Những cáo buộc về tình trạng bóc lột sức lao động, không đào tạo kỹ năng và điều kiện làm việc giống như nô lệ đã phá hỏng hoàn toàn ý nghĩa của chương trình này.

Cùng với sự nổi lên của Trung Quốc và Đông Nam Á, Nhật Bản phải thực tế hơn và nhìn nhận thẳng thắn là nước này cần lao động nước ngoài hơn là lao động nước ngoài cần Nhật Bản. Đây là vấn đề sống còn và Nhật Bản phải học tập cách chấp nhận việc lao động nước ngoài nhập cư vĩnh viễn, nếu không nước này có nguy cơ bị cô lập và tụt hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục