Vì sao Pháp qua mặt Nhật Bản để bán tàu ngầm cho Australia?

Pháp đã giành được hợp đồng đóng tàu ngầm cho Australia khi mà trước đó Nhật Bản những tưởng đã nắm chắc phần thắng trong tay.
Vì sao Pháp qua mặt Nhật Bản để bán tàu ngầm cho Australia? ảnh 1Tàu ngầm lớp Barracuda được đóng tại Tập đoàn công nghiệp Pháp DCNS ở Cherbourg-Octeville, tây bắc Pháp ngày 22/10/2014. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Có lẽ đối với chính quyền Nhật Bản, ngày 26/4 sẽ là một thời khắc khó có thể quên vì đã để Pháp “vượt mặt” thắng trong gói thầu hợp đồng mua sắm trang thiết bị lớn nhất lịch sử Australia, khi mà Tokyo những tưởng đã nắm chắc phần thắng trong tay bởi lẽ trước đó họ đã được chính Canberra chủ động tìm tới “cậy nhờ” nhằm tân trang hạm đội tàu ngầm.

Thực tế ngay từ đầu, Nhật Bản mới là nước nhận được nhiều lợi thế hơn cả so với hai đối thủ còn lại là Đức và Pháp trong hợp đồng “bạc tỷ” này.

Khi lên nhậm chức vào năm 2013, Thủ tướng Australia lúc bấy giờ là Tony Abbott đã từng đề nghị với người đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe cung cấp tàu ngầm cho Australia.

Báo chí Australia lúc đó cũng đưa tin liên quan đến cam kết ngầm giữa hai lãnh đạo Australia và Nhật Bản.

Về phần mình, một mình Đức “đơn thương độc mã” quảng bá cho việc nước này có thể đóng tàu ngầm tại Australia và tạo ra công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho từ 5.000-7.000 lao động Australia.

Trong lúc tại Paris, thậm chí không ai có thể tin rằng nước Pháp sẽ có chỗ đứng trong cuộc chạy đua này, trừ Chủ tập đoàn DCNS của Pháp, Hervé Guillou và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian.

Bản thân ông Drian, khi đi thăm Albani vào tháng 11/2014, nhân lễ kỷ niệm 100 năm Australia gửi quân tới châu Âu, cũng đề cập việc này với người đồng nhiệm Australia mà không nhận được câu trả lời nào.

Tuy nhiên, sau chuyến đi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đã bắt tay vào chuẩn bị dự án này, bằng việc cứ hai tuần lại cho tiến hành cuộc họp với sự tham dự của các hãng đóng tàu ngầm như DCNS, Thales, các chuyên gia của Bộ và các đại diện của Australia.

Đây có thể được coi là một xuất phát điểm “đủ” đối với Pháp lúc bấy giờ - khi ban đầu đã từng có lúc bị cho là “kẻ ngoại lai” trong cuộc đua này.

Tháng 2/2015, gió bắt đầu xoay chiều. Thủ tướng Tony Abbott, người ủng hộ giải pháp thuê tập đoàn Nhật Bản cuối cùng đã đồng ý mở thầu với sự tham gia của tập đoàn TKMS của Đức và DCNS của Pháp.

Phía Pháp đề xuất một phiên bản thông thường của tàu ngầm hạt nhân Barracuda, trong khi Nhật Bản đề nghị đóng tàu lớp Soryu có trọng tải 4.000 tấn, được trang bị hệ thống tàng hình, còn Đức chào hàng Australia bằng loại tàu ngầm đa nhiệm hai tầng HDW lớp 216, chạy bằng diesel-điện.

Mặc dù vậy, một đại diện của Thủ tướng Tony Abbott trong lần có mặt tại Paris đã không thể hiện một thái độ nào cho phép Pháp hy vọng.

Ông nói: "Tôi muốn mọi thứ rõ rằng Nhật Bản đã được chọn, các bạn không có cơ hội."

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp không nghĩ tới việc bỏ cuộc, ông vẫn theo đuổi kế hoạch của mình: "Cần phải có mặt trong trường hợp Nhật Bản thất bại."

Vào tháng 9/2015, sự cạnh tranh đã trở nên thực sự công bằng với sự ra đi của Thủ tướng Tony Abbott. Sau khi mời ba nước tham gia dự án, Australia thông báo các ứng viên có hai tháng để nộp hồ sơ dự thầu.

Nhật Bản, nhà thầu tham gia với tư cách Nhà nước dựa trên tổ hợp bao gồm Mitsubishi Heavy Industries và Kawasaki Heavy Industries chuyển sang thế tấn công, tuyên truyền quảng cáo rầm rộ trên báo chí Australia. Tokyo thậm chí còn đã gửi một tàu ngầm đến vịnh Sydney vào giữa tháng 4/2015.

Trong lúc các hồ sơ tham gia đấu thầu của châu Âu lại do các tập đoàn công nghiệp thực hiện. TKMS tiến hành một chiến dịch tiếp thị đề cao chất lượng Đức với sự hỗ trợ tích cực của Berlin và Thủ tướng Angela Merkel.

Về phía Pháp, DCNS tỏ ra kín đáo và chờ đợi phản ứng khi đưa ra khẩu hiệu "Đây là con tàu ngầm tiên tiến nhất mà bạn chưa bao giờ thấy."

Đi cùng với các hoạt động nói trên là rất nhiều các chuyến thăm của các bộ trưởng, lãnh đạo các tập đoàn công nghiệp và quốc phòng của Pháp. Cho đến tháng 2/2016, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Những thông tin đầu tiên bắt đầu lọt ra ngoài từ Bộ Quốc phòng Pháp: "Chúng ta thực sự có thể chiến thắng."

Có thể nói việc Nhật Bản để gói thầu béo bở trị giá 38,5 tỷ USD đó rơi vào tay Pháp là một diễn biến ít ngờ tới, bởi kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, Nhật Bản đã trở thành một trong những đối tác kinh tế và thương mại hàng đầu của Australia.

Canberra và Tokyo cũng còn đã bắt đầu phát triển các mối quan hệ chiến lược, an ninh ngày càng sâu rộng hơn.

Tuy nhiên, việc gì xảy ra cũng có cái lý của nó. Chẳng tự nhiên mà Pháp lại là “người chiến thắng” trong cuộc đua đường trường này.

Tập đoàn TKMS của Đức cũng đề xuất là sẽ tiến hành đóng tàu tại Australia, nhưng TKMS lại chưa bao giờ đóng những con tàu lớp 4.000 tấn như Australia đặt hàng, trọng tải và kích cỡ những con tàu này gần gấp đôi những con tàu mà TKMS đã sản xuất. Đối với Nhật Bản, người ta nghi ngờ về khả năng đóng những con tàu với công suất lớn ở bên ngoài lãnh thổ Nhật.

Ngoài ra, một liên minh với Nhật Bản có thể làm cho Trung Quốc - đối tác kinh tế lớn nhất của Australia, tức giận.

Về mặt chiến lược, Australia tìm kiếm một đối tác có khả năng sản xuất những con tàu có thể vượt qua những quãng đường dài trên biển và xây dựng đối tác lâu dài, với một chương trình tàu ngầm được đảm bảo trong 70 năm tới, Pháp chính là nhà thầu có thể đáp ứng các yêu cầu đó.

Bên cạnh đó, giới phân tích cũng cho rằng người Pháp hơn người Nhật ở chỗ họ không nóng lòng và không mắc một loạt sau lầm như các quan chức người Nhật, do là “kẻ đến sau.”

Đặc biệt, người Nhật cũng đã sai sót khi không nắm bắt kịp sự thay đổi trong bối cảnh chính trị tại Australia, đồng thời không nắm được yêu cầu quan trọng của gói thầu này là phải mang lại công ăn việc làm và kỹ thuật đóng tàu cho người Australia. Đến khi Nhật Bản nhận ra những điều quan trọng này thì đã quá muộn, Pháp và Đức đã đi trước một bước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục