​Vì sao Phương Tây chia rẽ trong vấn đề ký kết BRI với Trung Quốc?

Italy đã trở thành nước đầu tiên trong nhóm G7 - bao gồm các nền kinh tế hùng mạnh Anh, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Italy và Canada - tham gia BRI, vốn trước đây bị hầu hết các nước phương Tây từ chối.
​Vì sao Phương Tây chia rẽ trong vấn đề ký kết BRI với Trung Quốc? ảnh 1Thủ tướng Italy Giuseppe Conte (thứ 2, phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 3, trái) trong cuộc hội đàm tại Rome ngày 23/3/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trang mạng ABC ngày 27/3 có đăng bài viết của nhà báo Tasha Wibawa với những đánh giá của các học giả Australia cho rằng các nước phương Tây và châu Âu đang bị chia rẽ sâu sắc và lúng túng trong việc xử lý mối quan hệ với Trung Quốc liên quan tới vấn đề Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Sau đây là nội dung chính của bài báo:

Báo chí Trung Quốc đánh giá rằng chuyến thăm châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong những ngày qua có "ý nghĩa lịch sử" trong việc tăng cường quan hệ của Bắc Kinh với khu vực.

Ông Tập Cận Bình đã đến thăm Italy, Pháp, Monaco, và ký một loạt thỏa thuận trị giá hàng chục tỷ USD. Một khía cạnh trong chuyến đi của ông Tập được các nhà quan sát phương Tây và các đồng minh châu Âu đặc biệt quan tâm, đó là việc Italy quyết định ký kết BRI, cùng với hơn hai chục hiệp định thương mại và hạ tầng khác.

Với việc ký kết trên, Italy đã trở thành nước đầu tiên trong nhóm G7 - bao gồm các nền kinh tế hùng mạnh Anh, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Italy và Canada - tham gia BRI, vốn trước đây đã bị hầu hết các nước phương Tây từ chối, bao gồm cả Australia.

BRI dưới thời ông Tập đã được các nhà phân tích đánh giá là một trong những kế hoạch kinh tế và chính sách đối ngoại lớn nhất và tham vọng nhất trong lịch sử hiện đại, vì nó nhằm mục đích tái lập một "con đường tơ lụa" nối các khu vực kém phát triển của Trung Quốc với châu Âu qua châu Á.

Chống lại áp lực từ các thành viên của chính phủ, các đồng minh ở châu Âu và Mỹ, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã trở thành nhà lãnh đạo G7 đầu tiên ủng hộ và ký Bản ghi nhớ (MOU) đồng ý với các kế hoạch BRI trị giá lên tới 20 tỷ euro (31,8 tỷ USD).

Mặc dù những người ủng hộ BRI cho rằng đây là một bước tích cực để mở cửa thương mại với siêu cường kinh tế Trung Quốc, nhưng vẫn có những lo ngại xung quanh sáng kiến này và tác động của nó đối với chủ quyền và an ninh toàn cầu của phương Tây. Việc ký kết này còn giúp Trung Quốc tiếp cận với các quốc gia Địa Trung Hải không giáp biển, bao gồm Áo, Hungary và Cộng hòa Séc.

Euan Graham, giám đốc điều hành tại Viện La Trobe Asia, Australia, cho rằng không khó để hiểu được động cơ của Italy khi quyết định như vậy, đó là bởi nước này đang lo ngại trước tình hình kinh tế ốm yếu của mình hiện nay - nợ nần, thiếu tiền mặt và sự lãnh đạo yếu kém.

Bản ghi nhớ giữa Italy và Trung Quốc cũng đề cập đến nhiều lĩnh vực, bao gồm hợp tác phát triển vệ tinh, ngân hàng, nông nghiệp, khí đốt tự nhiên, thép và gia tăng thương mại song phương.

Ông Conte nói trước Nghị viện Italy rằng các nước đồng minh quốc tế không nên lo ngại về thỏa thuận này. Điều mà Italy mong muốn trước hết từ thỏa thuận này là tái cân bằng thương mại với Trung Quốc, hiện đang bất lợi cho Italy. Hơn nữa, thỏa thuận này không có tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Về phía Australia, mặc dù Canberra đã chọn không tham gia BRI, nhưng bang Victoria đã “đi đêm” khi ký một bản ghi nhớ tương tự với Trung Quốc vào cuối năm 2018.

Trong chuyến thăm Pháp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ký 15 hợp đồng kinh doanh trị giá 63,6 tỷ USD, bao gồm các hợp đồng về năng lượng tái tạo, vận chuyển hàng hải và ngân hàng, cũng như một đơn đặt hàng 300 máy bay Airbus.

Điều này đi ngược lại những gì mà nhà lãnh đạo Pháp đã nói tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ở Brussels ngày 22/3, rằng việc cho phép các công ty Trung Quốc mua cơ sở hạ tầng châu Âu là một "sai lầm chiến lược."

Ông Macron sau đó đã viết trên Twitter rằng Pháp và Trung Quốc không phải là đối thủ của nhau, mà là "đối tác lâu dài" tại thời điểm EU đang ở "ngã ba đường."

[Mega Story] Italy tham gia BRI: Cái bắt tay nhiều toan tính

Tuy nhiên, ông Macron đã không ký vào BRI, nói rằng nó không đáp ứng các quy chuẩn quốc tế, và bất kỳ sự hợp tác nào trên "con đường tơ lụa" sẽ cần phải theo cả hai hướng. Mặc dù chưa tham gia "Con đường tơ lụa mới" của Trung Quốc, ông Macron tuyên bố rằng Pháp và Trung Quốc sẽ hợp tác trong một số dự án đầu tư ở một số quốc gia nằm trên "Con đường tơ lụa mới" này.

Việc ký kết bản ghi nhớ của Italy đã làm dấy lên mối lo ngại về sự thúc đẩy kinh tế toàn cầu của Trung Quốc và ảnh hưởng ngày càng gia tăng của siêu cường kinh tế này trong khu vực.

Trên Twitter, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ mô tả quyết định tham gia BRI của Italy đã tạo ra "tính hợp pháp cho cách thức ‘săn mồi chết chóc’ của Trung Quốc."

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cũng cảnh báo các quốc gia châu Âu khác không đi theo Rome và nhấn mạnh cần giữ sự đoàn kết trong EU. Ông nói: "Nếu một số quốc gia tin rằng họ có thể kinh doanh một cách thông minh với người Trung Quốc, thì họ sẽ có ngày thức dậy và thấy mình trở thành kẻ bị phụ thuộc."

Ủy viên EU của Đức, Gunther Oettiger, thậm chí còn đề nghị phủ quyết các thỏa thuận trong tương lai với Trung Quốc ở châu Âu, và bày tỏ lo ngại rằng "các tuyến đường sắt hoặc bến cảng không còn thuộc về châu Âu nữa mà nằm trong tay Trung Quốc."

Melissa Conley Tyler, từ Viện các Vấn đề Quốc tế Australia, nói rằng cho dù Canberra từ chối tham gia BRI, việc có thêm nhiều nước châu Âu tham gia BRI chỉ còn là vấn đề thời gian vì "lợi ích kinh tế to lớn" của nó.

Bà nói thêm: "Trở thành một phần của BRI có thể giúp bạn định hình sáng kiến này để cùng có lợi."

Theo bà Melissa, cũng sẽ có một số nước khác rút khỏi BRI và đó là vấn đề riêng của mỗi quốc gia khi họ cân nhắc lợi ích khi tham gia thỏa thuận.

Tiến sỹ Graham từ Đại học La Trobe nhận xét EU dường như bị chia rẽ một cách "vô vọng” trong quan hệ với Trung Quốc.

Ông nói: "Sự chia rẽ (trong EU) đã quá lớn và ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các quốc gia thành viên nhỏ hơn, 'bướng bỉnh' hơn đang ngày càng lớn."

Ông kết luận: "Châu Âu đã thức tỉnh quá muộn để nhận ra quy mô thách thức của Trung Quốc đối với sự thống nhất châu Âu, và các cấu trúc quản trị tự mãn của nó đã không thể phản ứng"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục