Vì sao tình hình Biển Đông thu hút sự chú ý của toàn thế giới

Nhiều quốc gia đã cực lực lên án hành động đơn phương gây căng thẳng, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc khi tiến hành bồi đắp trái phép ở Biển Đông.
Vì sao tình hình Biển Đông thu hút sự chú ý của toàn thế giới ảnh 1Hình ảnh máy bay do thám Mỹ chụp được hôm 21/5 cho thấy Trung Quốc vẫn đang tăng cường bồi đắp trái phép ở Biển Đông (Nguồn: WSJ)

Tình hình Biển Đông đang là tâm điểm của cả thế giới, trở thành chủ đề chính tại Đối thoại Shangri La đang diễn ra ở Singapore sau khi Trung Quốc tăng cường cải tạo đất, bồi đắp trái phép trên các bãi đá ngầm, bao gồm cả các đảo mà nước này chiếm của Việt Nam.

Nhiều quốc gia đã cực lực lên án hành động đơn phương gây căng thẳng, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Nhân dịp này, tờ Wall Street Journal đã đưa ra lý giải vì sao Biển Đông lại thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia.

Biển Đông là một trong những khu vực có đông tàu thương mại qua lại nhất thế giới, là tuyến đường chiến lược giữa nối nền kinh tế giàu có ở Đông Bắc Á với Ấn Độ Dương. Có tới 50% các tàu chở dầu trên toàn cầu đi qua vùng biển này. Bản thân Biển Đông cũng rất giàu nguồn khoáng sản.

Ngoài ra, có tin Biển Đông còn chứa trữ lượng dầu khí lớn dưới đáy biển, dù hoạt động khai thác gặp nhiều khó khăn do các vụ tranh chấp lãnh thổ kéo dài.


1. Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động xác định chủ quyền trái phép

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái phép với phần lớn Biển Đông, dựa theo một bản đồ đường 9 đoạn, đôi khi đã được gọi là đường lưỡi bò. Các chuyên gia cho rằng tuyên bố chủ quyền này được dựa trên một bản đồ vẽ năm 1947, dưới thời Trung Hoa Dân Quốc.

Mấy năm gần đây, việc tăng cường Hải quân, Tuần duyên và các cơ quan quản lý biển khác đã giúp Bắc Kinh có phương tiện áp đặt bằng vũ lực tuyên bố chủ quyền ngang ngược và vô lý của nước này.

2. Xây đảo nhân tạo

Nhiều đảo, bãi đá đang tranh chấp chỉ hơi nhô lên trên mặt nước. Từ năm ngoái, Trung Quốc đã xây nhiều đảo nhân tạo trên 7 bãi đá mà nước này chiếm đóng phi pháp hòng xác định chủ quyền.

3. Mỹ tăng cường thách thức Trung Quốc

Trung Quốc thường chặn và phản đối các chuyến bay cũng như hoạt động của tàu chiến Mỹ ở Biển Đông. Năm 2001, một phi công Trung Quốc thiệt mạng do máy bay của anh này va chạm với một máy bay do thám Mỹ. Chiếc máy bay Mỹ sau đó phải hạ cánh khẩn cấp xuống căn cứ không quân Trung Quốc.

Phía Trung Quốc đã bắt giữ phi hành đoàn và gây khủng hoảng ngoại giao.


4. Tranh chấp pháp lý

Trung Quốc đã từ chối đàm phán chung về các tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông, nói rằng nước này muốn thương thảo riêng với từng nước. Năm 2013, Philippines đâm đơn kiện Trung Quốc lên tòa án ở Liên hợp quốc.

Đơn kiện từ phía Manila nói rằng tuyên bố của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên phía Bắc Kinh đã khẳng định sẽ không chấp nhận hoặc tham gia vào phiên tòa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục