Vì sao tốp 10 ngân hàng có sự phân hóa rõ nét về lợi nhuận trước thuế?

Các chuyên gia nhận định, bức tranh lợi nhuận ngân hàng có sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngân hàng là nhờ vào tín dụng và nguồn thu dịch vụ ngày càng tăng.
Vietcombank dẫn đầu trong tốp 10 ngân hàng có số lợi nhuận cao nhất. (Ảnh: CTV)
Vietcombank dẫn đầu trong tốp 10 ngân hàng có số lợi nhuận cao nhất. (Ảnh: CTV)

Điểm sáng trong công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các ngân hàng là lợi nhuận trước  thuế tăng trưởng rất ấn tượng.

Tuy nhiên, bên cạnh những con số lãi nghìn tỷ đồng, các chuyên gia bày tỏ lo ngại khi nợ xấu đang có xu hướng gia tăng trở lại.

Xáo trộn thứ hạng trong tốp 10

Đến nay, tốp 10 ngân hàng cổ phần có lợi nhuận cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2019 đã chính thức lộ diện. Tổng lợi nhuận trước thuế của 10 nhà băng này trong nửa đầu năm 2019  đạt hơn 45.500 tỷ đồng, tăng hơn 6.500 tỷ đồng, tương đương tăng 16,7% so với cùng kỳ. Tốp 10 vẫn ghi nhận những cái tên quen thuộc như cùng kỳ năm ngoái, nhưng thứ hạng thì đã có những thay đổi đáng kể.

Đứng đầu danh sách, Vietcombank ghi kỷ lục mới toàn hệ thống với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Đây là ngân hàng có những bước đi bền bỉ trong nhiều năm và bứt phá thần tốc từ năm 2017 đến nay.

[Ngân hàng Nhà nước báo cáo Quốc hội về sở hữu chéo và tái cơ cấu]

Đứng vị trí thứ 2 là Techcombank với lợi nhuận trước thuế đạt 5.700 tỷ đồng, doanh thu đạt 9.100 tỷ đồng, tăng 32% và 19% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm đặc biệt của nhà băng này trong 6 tháng qua là chi phí dự phòng giảm 77%, đồng thời tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập duy trì ở mức 35%, góp phần đem lại lợi nhuận kỷ lục. Bên cạnh đó, thu nhập lãi thuần đạt 6.500 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập phí tăng 19% so với cùng kỳ phần lớn nhờ vào mức tăng trưởng mạnh từ lĩnh vực bảo hiểm và tư vấn trái phiếu, tăng lần lượt ở mức 34% và 82%.

Tiếp đến là VietinBank, nhưng ngân hàng này chưa cho thấy sự hồi phục khi nhận lợi nhuận trước thuế quý 2 chỉ đạt 2.182 tỷ đồng, giảm 2,5% so với cùng kỳ. Tính chung, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 5.335 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong quý 2 chi phí dự phòng của nhà băng này tăng vọt 63% lên 4.236 tỷ đồng. Nguyên nhân của việc này là do nhà băng này chưa mở rộng được tín dụng bởi mấy năm nay vốn điều lệ không được tăng nên tăng trưởng tín dụng cũng bị “kìm hãm.”

Nhân tố mới gây bất ngờ vượt cả BIDV là MBBank. Nếu như ở cùng kỳ năm trước, MBBank còn đứng ở thứ 6 thì đến nửa đầu năm nay đã leo lên vị trí thứ 4 ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 4.875 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ; tiền gửi khách hàng đạt đạt 260.089 tỷ đồng, cho vay đạt 229.125 tỷ; các chỉ tiêu ROE đạt 21,24%, thuộc tốp đầu các ngân hàng thương mại cổ phần về hiệu quả.

Để có được kết quả này là do MB đã tập trung triển khai các dự án chiến lược trọng điểm của ngân hàng đảm bảo tiến độ và hiệu quả cao, trong đó Ngân hàng Nhà nước phê duyệt áp dụng quản trị rủi ro theo Basel 2 từ 1/5; cải tiến phần mềm luân chuyển chứng từ hồ sơ (BPM) cho quy trình phát hành thẻ; dự án chuyển đổi năng lực công nghệ thông tin cùng nhiều dự án quan trọng khác...

Còn với BIDV, cùng kỳ năm ngoái, ngân hàng này đứng ở vị trí thứ 4 nhưng năm nay đã lùi xuống đứng vị trí thứ 5 với lợi nhuận trước thuế đạt 4.772 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ. Thậm chí, trong quý 2, lợi nhuận trước thuế của BIDV chỉ đạt 2.251 tỷ đồng, giảm 9% với nguyên nhân chủ yếu là do chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh 38% lên 5.524 tỷ đồng.

Mặc dù giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái nhưng VPBank vẫn đứng trong tốp 5 ngân hàng với mức lợi nhuận trước thuế đạt 4.343 tỷ đồng. Nguyên nhân là do ngân hàng này không còn khoản thu nhập đột biến từ bảo hiểm.

Bốn ngân hàng cuối cùng trong tốp 10 lợi nhuận là ACB, HDBank, VIB và TPBank với thứ tự không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ACB có lãi đạt 3.622 tỷ đồng, cách biệt hơn so với 3 ngân hàng còn lại. 

Đẩy mạnh bán lẻ

Các chuyên gia cũng nhận định, bức tranh lợi nhuận ngân hàng có sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngân hàng. Lợi nhuận các ngân hàng tốp đầu tăng mạnh nhờ vào tín dụng và nguồn thu dịch vụ ngày càng tăng.

Điểm tạo nên lợi nhuận “thần tốc” của Vietcombank trong thời gian qua là ngân hàng này đã dịch chuyển mạnh từ bán buôn sang bán lẻ, tăng từ 45,4% cuối năm 2018 lên 48% tại 30/6, gia tăng tỷ trọng và nguồn thu dịch vụ qua mở rộng khách hàng và phát triển các sản phẩm tiện ích khác.

Thêm một điểm khác đáng chú ý là Vietcombank đã gia tăng dịch chuyển kinh doanh vốn trên thị trường liên ngân hàng sang các phân khúc khác có lãi biên hoặc tỷ suất sinh lời cao hơn như tăng cho vay trên thị trường 1 (khách hàng cá nhân và doanh nghiệp), đầu tư các giấy tờ có giá của các tổ chức tín dụng... Chính vì vậy dư nợ tín dụng đạt 697.240 tỷ đồng, tăng 9,7% so với 2018, cao hơn nhiều so với mức 7,3% bình quân toàn hệ thống.

Còn tại Techcombank, mảng dịch vụ cũng mang lại nhiều “thành tích” cho ngân hàng này như thẻ tín dụng tăng 43% so với cùng kỳ, giao dịch qua thẻ ghi nợ cũng tăng hơn 26% về số lượng. Tổng giá trị giao dịch thanh toán thẻ Visa đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ, thẻ ghi nợ tăng trên 60%, đạt 23.000 tỷ đồng. Tăng trưởng giao dịch bình quân mỗi khách hàng tăng 56% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng đang cho vay mua nhà để ở theo chuỗi giá trị khoảng 62.000 tỷ đồng (tăng 1,9 lần so với năm 2016) và khoảng 10.000 tỷ đồng cho khách hàng hiện hữu vay mua nhà.

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng Giám đốc Techcombank cho biết, ngoài nhà ở, năm nay ngân hàng sẽ tiếp tục khai thác các mảng bán lẻ khác như cho vay mua ôtô, hàng không, dự kiến mang lại hiệu quả trong 1-2 năm nữa.

Vì sao tốp 10 ngân hàng có sự phân hóa rõ nét về lợi nhuận trước thuế? ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV)

Hay tại SHB trong quý 2, các hoạt động kinh doanh đều tăng trưởng tốt như thu nhập lãi thuần tăng 60% đạt 1.742 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng, thu nhập lãi thuần của ngân hàng này đạt 3.153 tỷ đồng, tăng 46%. Mức tăng trưởng này có sự đóng góp lớn của mảng cho vay cá nhân tăng tới 39,2% so với đầu năm, chiếm tới 31,16% tổng cho vay, trong khi tỷ trọng của phân khúc này này hồi đầu năm chỉ là 24,76%. Ngoài ra, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh, gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự tại VIB, lãnh đạo ngân hàng này cho biết nhờ có sự chuyển đổi sâu rộng trong hoạt động mà ngân hàng đã có được các kết quả đột phá khi lợi nhuận liên tục tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Từ một ngân hàng có cấu trúc thiên về khách hàng doanh nghiệp, thì hiện nay tỷ trọng về dư nợ của hoạt động ngân hàng bán lẻ đã chiếm phần lớn.

Từ khối kinh doanh có lợi nhuận không đáng kể, ngân hàng bán lẻ đã trở thành nơi đóng góp nguồn lợi nhuận trọng yếu cho VIB với tốc độ tăng trưởng bán lẻ cao và chất lượng. Tốc độ tăng trưởng cho vay bán lẻ 6 tháng đầu năm tăng 21%. Dư nợ cho vay ngân hàng bán lẻ chiếm 78% tổng danh mục cho vay của VIB.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước quy định hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp, các ngân hàng thương mại sẽ đẩy mạnh mảng dịch vụ bán lẻ để bù đắp nguồn thu từ tín dụng, trong đó chú trọng đến cho vay cá nhân. Đây cũng là xu hướng chung của các ngân hàng trên thế giới, tập trung bán lẻ và cung ứng dòng vốn ngắn hạn cho nền kinh tế.

Cần thận trọng

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, hệ thống ngân hàng vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện, nhất là vấn đề nợ xấu, hệ số an toàn vốn.

Vietcombank gây bất ngờ khi nợ nhóm 3 (nhóm dưới chuẩn) đến hết quý 2 năm nay bất ngờ tăng gấp gần 6 lần so với cuối năm trước. Cho dù nợ nhóm 4 và nhóm 5 có giảm nhẹ song tổng nợ xấu vẫn tăng thêm trên 900 tỷ đồng và qua đó đưa tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng từ dưới 1% lên trên 1%.

Mặc dù vậy, theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tich Hội đồng quản trị Vietcombank, nợ xấu của ngân hàng không phải là điều đáng lo bởi hiện Vietcombank đang có tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu 6 tháng lên đến 180%, tức là 100 đồng nợ xấu thì có dự phòng tới 180 đồng.

Trong khi đó, BIDV là ngân hàng có nợ xấu nội bảng lớn, tại thời điểm 30/6 là 21.121 tỷ đồng, tăng 12,3% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh tới 46% lên 10.492 tỷ đồng và nhóm nợ này đang chiếm tới gần một nửa trong cơ cấu nợ xấu của BIDV. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng cũng từ mức 1,9% hồi đầu năm leo lên 1,98%.

Một số nhà băng khác ghi nhận các nhóm nợ có sự biến động đáng kể, chẳng hạn như LienVietPostbank tăng từ 1,41% lên 1,48%; KienlongBank từ mức dưới 1% lên 1,15%; TPBank cũng 1,12% lên 1,5%.

Điều này cũng trùng hợp với báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2012 đến cuối tháng Sáu, ước tính toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 937.500 tỷ đồng nợ xấu, trong đó riêng trong năm 2018, đã xử lý được 163.140 tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước đến cuối tháng Sáu là 1,91%, tăng nhẹ so với mức cuối năm 2018 là 1,89%.

Về vấn đề này, đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cho rằng, bên cạnh số nợ xấu tồn đọng đang được xử lý tích cực thì nợ xấu mới lại tiếp tục hình thành. Trước đây, nợ xấu trong quá khứ của các ngân hàng đến từ các khoản cho vay với mục đích đầu cơ và các hoạt động không phải ngành kinh doanh chính (như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản) và cho vay các khoản đầu tư không hiệu quả của doanh nghiệp quốc doanh. Nợ xấu mới hiện tại đến từ các khoản đầu tư của tư nhân và vay tiêu dùng của hộ gia đình và cá nhân, đặc biệt là ở các ngân hàng bán lẻ.

Do đó, nợ xấu sẽ tăng nhiều nhất ở các ngân hàng mở rộng mạnh trong mảng bán lẻ, đặc biệt là tài chính tiêu dùng, do hoạt động này rủi ro cao và tăng chậm hơn ở ngân hàng có tiêu chuẩn cho vay khắt khe hơn và việc mở rộng cho vay bán lẻ cần thận trọng hơn.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các ngân hàng một mặt tăng trưởng tín dụng là tốt nhưng mặt khác phải quản lý rủi ro một cách chặt chẽ để trong tăng trưởng đó có được sự tăng trưởng bền vững, lợi nhuận đó là bền vững chứ không phải tức thời lúc này, nếu không trong tương lai các nhà băng sẽ phải trả giá bằng nợ xấu cao.

Một số chuyên gia khác cũng lo ngại, một phần nợ xấu của các ngân hàng 5 năm trước đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) bằng trái phiếu đặc biệt, nếu trái phiếu đáo hạn mà nợ xấu không được xử lý, nợ xấu sẽ trở lại với các ngân hàng. Tính từ thời điểm bán nợ mạnh nhất của các tổ chức tín dụng cho VAMC năm 2015 thì thời gian 5 năm đã sắp trôi qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục