Bảng tổng sắp huy chương ASIAD: Vì sao Việt Nam xếp dưới Campuchia?

Vì sao Việt Nam xếp dưới cả Campuchia trên bảng xếp hạng huy chương?

Dù đã giành được 22 huy chương các loại, song đoàn Thể thao Việt Nam Việt Nam hiện đã tụt xuống tận thứ 24 trên bảng xếp hạng huy chương, xếp dưới cả Campuchia. Nhưng đó là một sự bất công.
Vì sao Việt Nam xếp dưới cả Campuchia trên bảng xếp hạng huy chương? ảnh 1Đoàn Thể thao Việt Nam hiện xếp thứ 24 trên bảng xếp hạng ASIAD (Nguồn: BTC)

Dù đã giành được 22 huy chương các loại, song đoàn Thể thao Việt Nam Việt Nam hiện đã tụt xuống tận thứ 24 trên bảng xếp hạng huy chương tại Đại hội Thể thao châu Á 2018 (tính đến 14 giờ 30 ngày 27/8), xếp dưới cả những đoàn thể thao kém phát triển hơn như Campuchia.

Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ, tới thời điểm này, Việt Nam mới chỉ có 1 huy chương vàng (của đội Rowing nữ) còn Campuchia đã có 2 huy chương vàng.

Trong khi đó, tại bất kỳ đại hội thể thao nào, từ Olympic, Asian Games cho tới SEA Games, thứ hạng các đoàn thể thao sẽ phụ thuộc vào số huy chương vàng đoạt được, chứ không phải tổng số huy chương.

[Lịch thi đấu ngày 27/8: Tâm điểm Olympic Việt Nam vs Olympic Syria]

Nhưng trên thực tế, nếu xét đến tổng số huy chương thì Việt Nam hiện đang xếp số 12, chứ không phải 24 như bây giờ.

Tổng số huy chương các loại mới là "hàn thử biểu" đánh giá chính xác nhất trình độ của các nền thể thao. Với sự đầu tư đúng mức của Nhà nước, ngành Thể dục Thể thao, cũng như công tác xã hội hóa sâu rộng trong những năm qua mà Thể thao Việt Nam đã đạt được tiến bộ lớn. Chúng ta đã có thể tranh chấp huy chương ở nhiều môn thể thao cơ bản của Olympic.

Đơn cử như chiếc huy chương bạc môn bơi lội cự li 1.500 tự do của kình ngư trẻ Nguyễn Huy Hoàng ở Asian Games lần này, chỉ xếp sau kình ngư Trung Quốc từng đoạt huy chương vàng Olympic là Sun Yang.

Hay như môn bóng đá nam, đội Olympic Việt Nam chính là đại diện duy nhất của Đông Nam Á có mặt ở tứ kết.

Vì sao Việt Nam xếp dưới cả Campuchia trên bảng xếp hạng huy chương? ảnh 2Chiếc huy chương bạc bơi lội cựu li1500m tự d nam của Nguyễn Huy Hoàng là rất đáng khen ngợi (Nguồn: TTXVN)

Trong khi đó, dù đã đoạt tới 2 huy chương vàng, song đoàn Campuchia cũng mới chỉ giành được 3 huy chương các loại. Hai chiếc huy chương vàng của họ cũng đều tới từ những môn thể thao không mấy phổ biến ở các kỳ đại hội thể thao lớn, một từ Jiu-jitsu - môn võ lần đầu được đưa vào chương trình ASIAD, và một từ Jetski - nôm na là môn đua mô-tô nước, vốn gắn liền với các hoạt động du lịch hơn là thể thao.

Thế nên, dù đang tạm xếp sau Campuchia, nhưng nếu chỉ cần giành thêm một chiếc huy chương vàng nữa thôi, đoàn Thể thao Việt Nam sẽ cải thiện được đáng kể thứ hạng của mình trên bảng tổng sắp, bởi hàng loạt đoàn đứng trên chúng ta đều có tổng số huy chương ít hơn, gồm cả Malaysia, Singapore, vốn luôn xếp sau chúng ta ở các kỳ SEA Games (trừ phi họ là chủ nhà!)./.

Thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018

Ngày 27/8
HCB: pencak silat (đôi nam quyền biểu diễn, đồng đội nam quyền biểu diễn)

Ngày 26/8
HCĐ: pencak silat: Phạm Tuấn Anh (dưới 70 kg), Hoàng Thị Loan (60-65 kg), Nguyễn Duy Tuyến (85-90 kg).

Ngày 25/8
HCB: Karate (Nguyễn Minh Phụng, 84 kg)

Ngày 24/8
HCB: rowing (thuyền 4 mái chèo đơn nữ hạng nặng), môn bơi (Nguyễn Huy Hoàng, 1.500 m tự do nam)
HCĐ: bắn súng (Ngô Hữu Vương, 10 m súng trường di động nam), ju-jitsu (Dương Thị Minh Thanh, hạng cân 49 kg).

Ngày 23/8:
HCV: Đội tuyển rowing (thuyền bốn nữ hạng nhẹ)
HCB: Bùi Trường Giang (tán thủ hạng cân 56 kg, wushu).

Ngày 22/8
HCĐ: Hoàng Thị Phương Giang (trường quyền nữ, wushu), đội tuyển cầu mây (Regu đồng đội nữ), Nghiêm Văn Ý (tán thủ, wushu). Ngày 21/8
HCB: Phạm Quốc Khánh (wushu), Trịnh Văn Vinh (cử tạ, 62 kg) HCĐ: Dương Thúy Vi (wushu)

Ngày 20/8
HCĐ: Nguyễn Huy Hoàng (môn bơi, nội dung 800 m tự do nam)
HCB: Thạch Kim Tuấn (môn cử tạ, hạng cân 56 kg)

Ngày 19/8
HCĐ: taekwondo (nội dung quyền đồng đội nam), bắn súng (10 m súng ngắn hơi hỗn hợp nam nữ).

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục