Vị thế của NAM ngày càng được nâng cao

3 năm qua, vị thế của NAM đã được nâng cao, có tiếng nói trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng trong các lĩnh vực tại các diễn đàn quốc tế.
Chiều 16/7 giờ địa phương, Hội nghị Cấp cao Phong trào Không liên kết lần thứ 15 (NAM-15) đã bế mạc tại Trung tâm Hội nghị Maritim ở thành phố Sharm el-Sheikh của Ai Cập.

Tại Hội nghị lần này, các nước thành viên NAM đã nhất trí chọn Iran là nước chủ nhà của NAM-16 vào năm 2012; kết nạp Argentina và Hội đồng Hòa bình thế giới là thành viên mới trong nhóm các quốc gia và tổ chức quan sát viên, nâng tổng số quan sát viên của NAM lên 16 quốc gia và 9 tổ chức quốc tế.

NAM-15 đã nhất trí thông qua Văn kiện cuối cùng, đề cập toàn diện phương hướng phấn đấu giải quyết các vấn đề quốc tế phức tạp hiện nay.

Về chính trị, văn kiện khẳng định sự cần thiết phải đề cao vai trò và tính chủ động của NAM trong việc đóng góp cho hòa bình và an ninh thế giới, cam kết kiên trì các nguyên tắc cơ bản của phong trào Bandung và các nguyên tắc thông qua tại NAM-14 ở Cuba, nhấn mạnh quyết tâm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc; bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển; có các hình thức đoàn kết về tinh thần, vật chất với các thành viên NAM bị đe dọa sử dụng vũ lực, xâm lược hoặc là nạn nhân của các hành động gây sức ép đơn phương từ bên ngoài.

Về kinh tế-xã hội, bên cạnh các nội dung về cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính hiện nay, văn kiện đề ra nhiều biện pháp hợp tác cụ thể ở cấp khu vực và toàn cầu qua việc tăng cường nội lực, thúc đẩy hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, mở rộng giao lưu xã hội, đối thoại văn hóa, văn minh, tín ngưỡng...

Văn kiện khẳng định ủng hộ nhân quyền như những giá trị phổ cập của nhân loại, đồng thời cho rằng không có một mô hình dân chủ duy nhất cho mọi quốc gia, phản đối việc sử dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền làm công cụ chính trị can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia.

Về NAM, văn kiện đánh giá 3 năm qua, vị thế của phong trào đã được nâng cao, có tiếng nói trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, đề ra các cơ chế, cách thức phối hợp cụ thể trong các lĩnh vực nêu trên tại các diễn đàn quốc tế.

Hội nghị cũng thông qua các tuyên bố: Tuyên bố Sharm el-Sheikh khẳng định những quan điểm tích cực của NAM đối với những vấn đề lớn hiện nay, Tuyên bố đặc biệt về việc Mỹ cần chấm dứt cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính chống Cuba, Tuyên bố về Palestine và Tuyên bố lấy ngày 18/7, ngày sinh của cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, làm Ngày quốc tế Nelson Mandela, do những đóng góp của ông đối với vấn đề chống phân biệt chủng tộc và bảo vệ những giá trị nhân văn.

Sự tham gia của đoàn Việt Nam do Chủ tịch nước Nguyễn MinhTriết dẫn đầu tại NAM-15 thể hiện cam kết ở cấp cao của Việt Nam đối với sự nghiệp chung của NAM.

Đoàn Việt Nam đã tham gia và đóng góp vào nhữug vấn đề hội nghị quan tâm, nội dung của Văn kiện cuối cùng, đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm hữu ích của Việt Nam.

Đóng góp của Việt Nam cho hoạt động của phong trào được ghi nhận. Văn kiện cuối cùng đã hoan nghênh Việt Nam, với vai trò Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên hợp quốc tháng 7/2008, có sáng kiến cải tiến phương thức làm Báo cáo năm của Hội đồng bảo an và đồng thời cảm ơn các chủ tịch năm 2009 của Hội nghị Giải trừ quân bị (trong đó có Việt Nam) đã thúc đẩy thông qua Chương trình làm việc của diễn đàn giải trừ quân bị đa phương duy nhất này sau nhiều năm bế tắc.

Tối 16/7 theo giờ địa phương, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã rời thành phố Sharm el-Sheikh về nước./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục