Vị thế "gã khổng lồ kinh tế" của G-8 bị lung lay?

Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới G-8 đang tìm cách khôi phục hình ảnh "gã khổng lồ kinh tế" của mình, vốn mai một dần trên vũ đài thế giới trong nhiều năm nay.
Bị tiếng xấu là bất lực trước cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ từ giữa năm ngoái, Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới G-8 (Anh, Pháp, Đức, Italy, Mỹ, Canada, Nhật Bản và Nga) đang tìm cách khôi phục hình ảnh "gã khổng lồ kinh tế" của mình, vốn mai một dần trên vũ đài thế giới trong nhiều năm nay.

Nỗ lực này được phản ánh qua chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh thường niên G-8 diễn ra trong các ngày từ 8-10/7 ở thành phố L'Aquila của Italy với một loạt vấn đề "nóng", từ khủng hoảng tài chính-kinh tế, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và thương mại đến vấn đề Triều Tiên, Iran, tương lai của đồng tiền dự trữ quốc tế, giá dầu mỏ...

Việc G-8 mở rộng hội nghị năm nay thành Diễn đàn các nền kinh tế lớn (MEF, chiếm 80% lượng khí thải trên thế giới) cộng với Ai Cập và một số nước châu Phi, phần nào đáp ứng mong đợi của dư luận quốc tế muốn đặt cuộc khủng hoảng khí hậu "ngang tầm" với khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế.

Thành phần tham dự hội nghị cũng cho thấy G-8 đã ngầm thừa nhận các vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu giờ đây không thể do một nhóm nhỏ các nước giàu giải quyết, đối thoại và hợp tác Bắc-Nam đã trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Sự hưởng ứng của một số lãnh đạo G-8 đối với nhận xét của Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng nhóm này "đang ở trong thời kỳ quá độ", cần tìm kiếm một sự phối hợp đúng đắn nhằm giảm bớt tần suất họp nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả và khả năng hành động đã hé mở triển vọng mở rộng G-8, có thể thành diễn đàn của các nước phát triển và các quốc gia mới nổi (G-20). Tuy nhiên, cũng có một số lãnh đạo khác lo ngại quá nhiều tiếng nói cùng "cất lên" bên bàn thảo luận sẽ khiến cho các quyết định khó được thực hiện.

Về chủ đề kinh tế, hội nghị G-8 năm nay đã tỏ ra thực tế hơn khi cam kết duy trì và thúc đẩy các thị trường mở, chống lại mọi hình thức bảo hộ, tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ thân thiện với môi trường, và tìm cách kết thúc cân bằng vòng đàm phán Doha vào năm 2010.

Tuy nhiên, những chia rẽ trong nội bộ G-8 về biện pháp tăng chi tiêu để kích thích kinh tế, sự thiếu đồng thuận về mức độ cần thiết phải áp đặt các biện pháp tiếp theo để ổn định tình hình, và quyết định "bỏ mặc" các nước thành viên tự xây dựng chiến lược thoát hiểm khỏi khủng hoảng chứng tỏ "Câu lạc bộ các nước giàu" một lần nữa "lực bất tòng tâm" trước những vấn đề từng là "thế mạnh" của họ.

Động thái của G-8 trong vòng 3 ngày họp điều chỉnh mục tiêu giảm khí thải điôxít cácbon (CO2) từ 50% lên 80%, rồi lại xuống "ít nhất 50%" vào năm 2050 so với năm 1990, đồng thời thừa nhận các nước chiếm lượng khí thải lớn nhất thế giới phải gánh vác phần lớn trách nhiệm giảm khí thải chứng tỏ nhóm này, đặc biệt là Mỹ, đã nhượng bộ sau nhiều năm cố tình phớt lờ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, G-8 đã không đưa ra những biện pháp cụ thể để "hiện thực hóa" mục tiêu đề ra, và cũng không khai thông bế tắc về cách thức hỗ trợ các nước nghèo triển khai các phương thức phát triển "xanh" và khắc phục những hậu quả do biến đổi khí hậu, khiến các nước mới nổi chỉ chấp nhận mục tiêu 2%, nhưng không muốn đưa ra cam kết nào về giảm khí thải trước khi diễn ra Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu vào tháng 12 tới.

Những diễn biến này có thể đe dọa triển vọng đạt được một hiệp ước mới thay thế Nghị định thư Kyoto về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2012. Chính vì vậy, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki moon đã lên tiếng phê phán G-8 "bỏ lỡ cơ hội duy nhất" để đạt tiến bộ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trước tháng 12 năm nay, mặc dù ông Obama đánh giá mục tiêu giảm khí thải là "sự đồng thuận có ý nghĩa lịch sử".

Bên cạnh đó, thái độ của các nước mới nổi không theo lập trường của G-8 về giảm khí thải cho thấy nhóm này giờ đây không chấp nhận việc họ bị đối xử như những "công dân hạng hai", trái lại họ muốn ngồi vào bàn thương lượng với tư cách là những đối tác bình đẳng trong các diễn đàn của G-8, muốn có tiếng nói nhiều hơn trong các quyết sách quan trọng mang tính quốc tế.

Đề nghị của các nước mới nổi là một đòi hỏi chính đáng vì trong bối cảnh hiện nay, G-8 khó có thể đưa kinh tế thế giới thoát khỏi suy thoái nếu không hợp lực với các nước lớn đang nổi lên như Trung Quốc và Ấn Độ.

Các chủ đề như chương trình hạt nhân và tình hình lộn xộn sau bầu cử tại Iran, các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, chống khủng bố ở Afghanistan ... chỉ dừng ở những tuyên bố chung chung kiểu "lên án mạnh mẽ" và "quan ngại sâu sắc".

Ý tưởng về một đồng tiền dự trữ quốc tế mới thay thế đồng USD, được manh nha từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lan rộng, và được Nga, Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ ủng hộ như một giải pháp ổn định thị trường thị, thì bị coi là chủ đề "không thích hợp" trong diễn đàn.

Quyết định của hội nghị G-8 tăng quỹ đảm bảo an ninh lương thực cho châu Phi từ 15 tỷ USD lên 20 tỷ USD trong 3 năm tới đã có sự chuyển hướng. Thay vì dành cho những nước nghèo nhất thế giới "con cá" là viện trợ lương thực, G-8 lần nay đã trao cho họ "chiếc cần câu" là công nghệ và thông tin để tự phát triển nông nghiệp nuôi sống mình. Thế nhưng, công cụ này xem chừng không đủ "khỏe" để phục vụ hơn 1 tỉ người bị đói hiện nay.

Một chương trình nghị sự đầy tham vọng đã được thảo luận, nhưng với những mục tiêu chung chung, lại thiếu vắng các biện pháp thực hiện cụ thể, liệu G-8 có xóa bỏ được hình ảnh "gã khổng lồ yếu thế" hay lại tiếp tục phải đối mặt với những lời chỉ trích cho là "không xứng tầm", thậm chí cả những lời kêu gọi "mở rộng" hoặc "giải tán"? Câu trả lời là tùy thuộc vào kết quả thực hiện những cam kết đã được đưa ra./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục