Vị thế "trung tâm chợ tranh quốc tế" của Anh bị đe dọa

London đang có nguy cơ để mất vị thế "trung tâm chợ tranh quốc tế" khi doanh số bán các tác phẩm hội họa và đồ cổ ở Anh trong năm qua đã giảm 3%.
Vị thế "trung tâm chợ tranh quốc tế" của Anh bị đe dọa ảnh 1 Bức tranh "Nympheas" của danh họa theo trường phái Ấn tượng người Pháp Claude Monet đã được bán với giá 31 triệu 700 nghìn bảng trong phiên bán đấu giá cúa Sotheby ở London (Anh) ngày 23/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

London đang có nguy cơ để mất vị thế "trung tâm chợ tranh quốc tế" vào tay New York và các thành phố khác khi một báo cáo mới của hãng nghiên cứu "Kinh tế nghệ thuật" (Arts Economics) cho thấy doanh số bán các tác phẩm hội họa và đồ cổ ở Anh trong năm qua đã giảm 3% đạt 8 tỷ bảng, trong khi thị trường nghệ thuật trên toàn thế giới đạt mức tăng trưởng 10%.

Báo cáo của Arts Economics cho biết thị trường mỹ thuật quốc tế đã chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ trong thập kỷ qua. Giá trị các tác phẩm mỹ thuật hậu chiến và đương đại tăng mạnh mẽ và các kỷ lục đấu giá liên tục bị phá vỡ.

Tuy nhiên, thị phần của Anh trong chiếc bánh béo bở này đã giảm hơn một nửa trong vòng 5 năm tính đến năm 2013, từ 35% xuống còn 15%.

Theo bà Clare McAndrew, Giám đốc Arts Economics, việc kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật hậu chiến và đương đại đang có sự dịch chuyển sang New York.

Nếu như tại Mỹ, doanh số bán tranh đã vượt cả mức ở kỷ nguyên bùng nổ thì tại Anh, thị trường lại giảm sút.

Nguyên nhân của sự sụt giảm này được cho là bắt nguồn từ quy định của Brussels buộc các nhà buôn và chủ phòng tranh kinh doanh tại châu Âu phải trả phí "bán lại" cho các họa sỹ hoặc người thừa kế của họ tại nơi mà các tác phẩm nghệ thuật của họ vẫn được giữ bản quyền.

Việc áp phí "Quyền bán lại của họa sỹ" (ARR) có hiệu lực ở châu Âu từ năm 2006. Tại Anh, thị trường tranh lớn nhất châu Âu, việc trả phí ban đầu chỉ được thực hiện cho các họa sỹ còn sống nhưng đến năm 2012, phí ARR được mở rộng tới các đối tượng là người thừa kế của họa sỹ cho đến 70 năm sau khi họ qua đời.

Ví dụ, khi một bức tranh mà danh họa Pablo Picasso vẽ năm 1900 được bán ở London, nhà buôn tranh sẽ phải trả phí ARR cho bên quản lý di sản của Picasso.

Phí ARR được thiết kế để tạo sân chơi công bằng ở các nước Liên minh châu Âu (EU), nơi Pháp từ lâu đã thực hiện quyền "droit de suite" (dành cho nghệ sỹ sáng tạo nghệ thuật thị giác), và để khuyến khích các quyền tài phán khác có hành xử tương tự cũng như để bảo vệ lợi ích cho họa sỹ khi tác phẩm của họ được bán lại.

Nhưng vấn đề là Mỹ và các thị trường châu Á lại không có biện pháp tương tự.

Ông Anthony Browne, Chủ tịch Liên đoàn Thị trường Nghệ thuật Anh, đại diện cho các nhà buôn tranh của Anh cho rằng việc các tác phẩm nghệ thuật được bán lại tại Anh phải chịu thêm phí ARR trong khi các đối thủ toàn cầu lớn của London không phải chịu mức phí đó đang làm suy giảm vị trí cạnh tranh quốc tế của xứ sở Sương mù.

Tuy nhiên, ông Browne cũng nói rằng phí ARR chỉ là một yếu tố chứ không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra sự dịch chuyển trong thị phần khu vực.

Anh vẫn tiếp tục giữ được thế mạnh của mình trong thị trường nghệ thuật ở phân khúc không bị tác động bởi mức phí trên - đó là những tác phẩm hội họa nằm ngoài bản quyền.

Doanh số bán các họa phẩm châu Âu vẽ trước năm 1800 (Old Master) tại Anh đã tăng nhẹ trong giai đoạn 2010-2013 trong khi doanh số bán các họa phẩm trường phái Ấn tượng và Hậu-Ấn tượng vẫn ổn định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục