Vị thủ hiến Ấn Độ lên nhanh và xuống… bất ngờ

Từ một thợ mỏ Madhu Koda leo lên các nấc thang quyền lực để trở thành nghị sĩ Quốc hội, đã bị còng tay vì biển thủ 650 triệu USD.
Từng được xem là “hiện tượng” ở Ấn Độ khi từ một thợ mỏ, ông Madhu Koda đã leo dần lên các nấc thang quyền lực để trở thành thủ hiến bang và nghị sĩ Quốc hội. Tuy nhiên hôm qua, cảnh sát Ấn Độ đã bắt Koda vì nghi ngờ ông ta biển thủ 650 triệu USD.

Tấm gương… vỡ

Ngày 30/11, Madhu Koda đã tra tay vào còng vi bị cáo buộc chiếm đoạt số tiền khổng lồ 650 triệu USD trong 5 năm lãnh đạo một bang nghèo khó tại phía Đông Ấn Độ.

Koda bị bắt tại hạt Chaibasa thuộc bang Jharkhand với tội danh sở hữu tài sản vượt mức thu nhập hợp pháp. Tội danh này có thể khiến ông ta lãnh án tù 7 năm.

Hãng tin AFP cho biết các quan chức thuế liên bang nói rằng, Koda đã phạm tội khi nắm ghế bộ trưởng phụ trách các hoạt động khai khoáng của Jharkhand, bang nổi tiếng giàu khoáng sản nhưng lại có một nửa dân số sống dưới chuẩn nghèo của Ấn Độ.

Koda từng gây tiếng vang khi leo lên các nấc thang quyền lực từ vị trí của một người thợ mỏ sắt. Năm 2000, ông ta bước chân vào lĩnh vực chính trị và giành được một ghế trong bộ máy lập pháp bang Jharkhand.

Một năm sau, Koda trở thành bộ trưởng Nông nghiệp của bang và đảm nhận công việc bố trí các hợp đồng xây dựng cầu đường, cơ sở hạ tầng. Năm 2003, Koda nắm ghế bộ trưởng phụ trách hoạt động khai khoáng mỏ và năm 2006 thì trở thành thủ hiến nhưng vẫn kiêm việc quản lý các hầm mỏ.

Koda từ chức thủ hiến năm 2008 trước nguy cơ bị “ê mặt” trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Ngay sau đó, nhà chức trách đã tiến hành hoạt động điều tra nhằm vào các hoạt động mờ ám của Koda khi ông ta còn đương chức.

Cơ quan thuế cũng đã mở nhiều cuộc điều tra nhằm vào Koda. Họ phát hiện rằng  khi nắm ghế bộ trưởng nông nghiệp, Koda đã nhận hối lộ để “bán” các hợp đồng xây dựng cầu, đường, mạng lưới điện... Điều đáng nói là những con đường, cây cầu này chưa bao giờ được xây dựng.

Koda và một nhóm cộng sự thân cận bị cáo buộc đã lạm dụng quyền lực để “bán” quyền khai thác mỏ và chuyển tiền ra nước ngoài. Tiền của Koda chảy vào nhiều khoản đầu tư khác nhau, từ các mỏ thép ở Liberia tới những khách sạn, trung tâm mua sắm và bất động sản ở Thái Lan, UAE, Hàn Quốc, Bhutan.

Nhiều người liên lụy

Trước khi dính cáo buộc sở hữu tài sản vượt mức thu nhập hợp pháp, Koda đã bị buộc tội rửa tiền. Một số tờ báo Ấn Độ cho biết tiền của Koda được chuyển bằng xe buýt từ Jharkhand tới Mumbai để “rửa” rồi đưa sang Dubai (UAE) đầu  tư đi các nơi khác, thông qua những kẻ môi giới nằm ngoài vòng pháp luật.

Bản thân Koda luôn tuyên bố ông ta vô tội và nói rằng những cáo buộc nhằm vào mình thuần túy xuất phát từ các động cơ chính trị. Koda cũng nói mình là nạn nhân của một số trò “ném bùn” từ những kẻ ganh ghét do thấy ông ta vươn lên từ vị trí xã hội thấp kém.

Đảng Quốc Đại cầm quyền, vốn ủng hộ Koda ra tranh cử vị trí thủ hiến Jharkhand hồi năm 2006, đã quay lưng với ông ta khi tin tức về vụ bắt giữ được đưa lên mặt báo.

“Luật pháp phải đi theo con đường riêng của nó và chuyện này phải được xử lý nghiêm. Không ai có thể can thiệp trong vụ này,” Bộ trưởng Tư pháp Ấn Độ Veerappa Moily nói với các phóng viên ở New Delhi.

Theo các chuyên gia, khoản tiền mờ ám của Koda có thể xem là kỷ lục ở một đất nước vốn có nhiều vụ tham nhũng như Ấn Độ. Hiện cơ quan điều tra đã nắm được cuốn sổ có ghi tên một số chính khách và diễn viên Bollywood từng nhận tiền của Koda. Những người này sẽ bị “sờ gáy” trong thời gian tới.

Với công chúng Ấn Độ, việc Koda bị bắt khiến niềm tin của họ vào giới chính khách lại vơi thêm.

Được biết, sau cuộc tổng tuyển cử diễn ra hồi tháng 5 năm nay, một nghiên cứu do Hiệp hội Cải cách dân chủ Ấn Độ tiến hành cho thấy gần 1/3 trong số 543 thành viên Quốc hội nước này đối diện với các cáo buộc hình sự liên quan tới đủ loại tội danh, từ giết người, cướp bóc đến bắt cóc./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục