Bộ GTVT nói gì về việc Hà Nội muốn thêm sân bay tại Ứng Hòa?

Vị trí sân bay thứ 2 vùng Thủ đô đặt ở Ứng Hòa liệu có khả thi?

Bộ Giao thông Vận tải mong Hà Nội nghiên cứu và ủng hộ phương án phát triển sân bay Nội Bài với quy mô 100 triệu hành khách/năm, nghiên cứu quy hoạch sân bay thứ 2 vùng Thủ đô giai đoạn sau 2030.
Vị trí lựa chọn quy hoạch sân bay thứ 2 vùng Thủ đô sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố về đường bay, không gian kiểm soát, đất đai, phương án đền bù giải tỏa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Vị trí lựa chọn quy hoạch sân bay thứ 2 vùng Thủ đô sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố về đường bay, không gian kiểm soát, đất đai, phương án đền bù giải tỏa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải đã giao các đơn vị liên quan đánh giá tổng thể ưu, nhược điểm của các kịch bản quy hoạch sân bay Nội Bài cùng với phương án nghiên cứu vị trí sân bay thứ 2 vùng Thủ đô tại Ứng Hòa.

Đề xuất vị trí sân bay tại Ứng Hòa

Trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải góp ý quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Bộ chỉ đạo xem xét, nghiên cứu, dự báo quy mô công suất cảng hàng không Thủ đô đạt khoảng 130-150 triệu hành khách/năm đến năm 2050. Thành phố cũng đề xuất 2 phương án để đạt được quy mô công suất này.

Theo đó, phương án 1 là hát triển sân bay Nội Bài với quy mô khoảng 65 triệu hành khách/năm: Nghiên cứu quy hoạch bổ sung sân bay quốc tế thứ 2 tại khu vực phía nam Hà Nội, công suất 65 triệu hành khách/năm.

Phương án 2 là trường hợp nâng công suất Nội Bài lên 100 triệu khách/năm, thành phố Hà Nội vẫn đề nghị cần phải nghiên cứu quy hoạch sân bay quốc tế thứ 2 với quy mô đạt 50 triệu hành khách/năm đến năm 2050 để có cơ sở chuẩn bị quỹ đất xây dựng, cập nhật vào các đồ án quy hoạch trình cấp thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo các sân bay của thủ đô có tổng công suất khoảng 150 triệu khách/năm.

[Đề xuất phát triển sân bay thứ 2 của vùng Thủ đô Hà Nội]

Hà Nội đề xuất vị trí dự kiến quy hoạch sân bay quốc tế thứ 2 tại khu vực huyện Ứng Hòa, khoảng cách đến Nội Bài khoảng 54km. Vị trí này sẽ thuận lợi về kết nối giao thông đường bộ (cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, cao tốc phía Đông, đường vành đai 5 vùng Thủ đô, Quốc lộ 5, Quốc lộ 7A), đường sắt Thống Nhất và tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, đường thủy (sông Hồng và cảng Phú Xuyên-Vạn Điểm).

Liên quan đến việc quy hoạch này, ông Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam cho rằng sân bay thứ hai là dành cho tương lai. Tuy nhiên, việc chọn vị trí sân bay ở đâu, khi nào đầu tư lại là câu chuyện rất lớn vì liên quan đến an ninh quốc phòng, khai thác bầu trời giữa quân sự và dân sự, phương thức khai thác bay của sân bay Nội Bài, Gia Lâm, các sân bay xung quanh đều phải được tính toán kỹ để giải quyết.

“Đặt sân bay thứ 2 của vùng Thủ đô ở đâu cần tính toán độ cao mặt đất trong bối cảnh có những tác động của biến đổi khí hậu, nhu cầu đi lại, kết nối các loại hình giao thông, trong đó có đường sắt đô thị. Vì vậy, chưa thể có câu trả lời cụ thể nên quy hoạch sân bay tại đâu. Việc này cần giải quyết bài toán tổng hợp, cần sự ngồi bàn lại giữa hàng không dân dụng, quân đội, Hà Nội và các cơ quan liên quan để lập một tổ chức thực hiện nghiên cứu, khảo sát, tính toán cụ thể dựa trên nhiều tiêu chí liên quan,” ông Châu gợi mở.

Chỉ nghiên cứu sau năm 2030

Trong trả lời đề xuất nghiên cứu quy hoạch sân bay thứ hai cho Hà Nội ở huyện Ứng Hòa của thành phố Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết đã giao các đơn vị liên quan đánh giá tổng thể ưu, nhược điểm của các kịch bản quy hoạch sân bay Nội Bài cùng với phương án nghiên cứu vị trí sân bay thứ 2 vùng Thủ đô.

Theo đó, các đơn vị đã xây dựng 3 kịch bản phát triển sân bay Nội Bài, tương ứng với 3 phương án hoạch định sân bay thứ hai của vùng Thủ đô về quy mô, vị trí và thời điểm nghiên cứu và đã kiến nghị quy hoạch Nội Bài giai đoạn đến năm 2030 đáp ứng quy mô 60-65 triệu hành khách/năm; giai đoạn đến năm 2050 đáp ứng quy mô khoảng 100 triệu hành khách/năm.

Vị trí sân bay thứ 2 vùng Thủ đô đặt ở Ứng Hòa liệu có khả thi? ảnh 1Sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô chưa được xác định cụ thể mà chỉ được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến sau năm 2030. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đánh giá đây là phương án có nhiều ưu điểm vượt trội dựa trên các yếu tố phát huy tối đa hiệu quả tài chính, kinh tế và lợi thế về vị trí của Nội Bài về điều kiện tự nhiên, vùng đất, vùng trời; điều hành bay; về tổ chức, quản lý, khai thác; diện tích đất chiếm dụng, chi phí; giao thông kết nối, diện tích đất chiếm dụng cơ bản phù hợp với các quy hoạch hiện hữu, có chi phí đầu tư, chi phí vận hành khai thác thấp hơn các phương án khác (khoảng 262.000 tỷ đồng).

[Sân bay thứ 2 vùng Thủ đô: Quy hoạch vị trí nào là khả thi?]

Về phương án hoạch định sân bay thứ hai vùng Thủ đô, các đơn vị đánh giá vị trí Ứng Hòa rất khó khả thi trong việc bố trí sân bay mới với mục đích hỗ trợ, chia sẻ lưu lượng cho Nội Bài. Các vị trí tiềm năng khác tại Thanh Miện (tỉnh Hải Dương), Tiên Lãng (Hải Phòng) có tính khả thi cao hơn.

Theo Bộ Giao thông vận tải, trong hồ sơ trình thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đơn vị kiến nghị thời điểm nghiên cứu vị trí sân bay thứ hai vùng Thủ đô sau năm 2040.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu kiến nghị của thành phố Hà Nội và sẽ căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế-xã hội; tình hình phục hồi, phát triển của hàng không sau đại dịch COVID-19 để có đầy đủ số liệu, cơ sở nghiên cứu vị trí sân bay thứ hai vùng Thủ đô (gồm cả khu vực phía Đông, phía Nam Thủ đô và vùng lân cận), dự kiến sau giai đoạn năm 2030.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải mong thành phố Hà Nội nghiên cứu và ủng hộ phương án phát triển sân bay Nội Bài với quy mô 100 triệu hành khách/năm, nghiên cứu quy hoạch sân bay thứ hai vùng Thủ đô giai đoạn sau năm 2030./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục