Giám đốc… không lương

Vị tướng già với “ngai” giám đốc… không lương

Đã ở tuổi xưa nay hiếm, song Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt vẫn miệt mài với "mặt trận" tạo dựng nghề nghiệp cho trẻ em khuyết tật.
Có tiếng chuông réo cửa, bà Phiệt đon đả chạy ra mở cánh cổng sắt. Biết khách đến tìm chồng, bà với gọi vào nhà, không thấy tiếng trả lời. Hóa ra, trong căn phòng nhỏ  của mình, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt đang mải điện đàm với một đơn vị, kêu gọi lòng hảo tâm của họ giúp đỡ trẻ em tàn tật tại Trung tâm nhân đạo Hồng Đức.

Dứt cuộc điện thoại, ông Phiệt nở nụ cười: “Thế là đã thêm một đơn vị hứa giúp đỡ các cháu.”

Ông Phiệt, nay đã ngoại “thất thập cổ lai hy,” nhưng nom còn khỏe khoắn lắm. Bàn chân ông còn đặt tới các vùng, miền để nâng đỡ những trẻ em khuyết tật, với ước mong tạo cho họ công ăn việc làm và có một chỗ đứng độc lập trong xã hội.

Xin tiền… cho người khác

Ông Phiệt tiếp khách trong căn phòng khách ấm cúng, nổi bật trên tường là danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng trao tặng Thượng úy Nguyễn Văn Phiệt năm 1973. Phía dưới là dòng chữ ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc của ông trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần cùng toàn dân đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi vẻ vang.

Nhập ngũ năm 1960, trong suốt cuộc đời binh nghiệp vẻ vang của mình, ông Phiệt trở thành một vị tướng “khét tiếng” với lũ "giặc trời” Mỹ-Ngụy khi trực tiếp bắn và chỉ huy bắn được 19 máy bay địch. Trong đó, đáng kể nhất là trận đánh tiêu diệt bốn máy bay B52 trong huyền thoại  “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.

Trải qua nhiều cương vị quan trọng như Phó tư lệnh chính trị, Bí thư Đảng ủy Quân chủng Phòng không-Không quân, ông Phiệt về hưu năm 2000. Thế nhưng, con người dạn dày trận mạc ấy không chịu nghỉ, lại bắt đầu một cuộc trường chinh mới: giúp trẻ em tật nguyền tự đứng lên trong cuộc sống.

Cất giọng trầm trầm, ông Phiệt bảo rằng, đầu tiên, cũng chỉ có ý định làm một cái gì đó để giúp đỡ đồng đội, những người sống thiếu thốn và những đứa con què cụt do chất độc hóa học.

Năm 2003, ông Phiệt cùng vài đồng chí bắt đầu lên đường vận động bạn bè, những người cùng chiến đấu một thời, nay có điều kiện để giúp người khó. Lấy tiểu tích đại, nhóm từ thiện của ông đã giúp đỡ nhiều người, trong đó phải kể đến việc xây nhà cho một đồng đội ở Thái Nguyên...

Sau nhiều lần lặn lội đến các địa phương tìm đồng đội, ông Phiệt nhận ra rằng, muốn giúp người khuyết tật, cách hay nhất là giúp cho họ một cái nghề, chứ không chỉ cho họ cái ăn, mặc. Bởi thế, ông đã bàn bạc với nhóm bạn bè, quyết định thành lập Trung tâm Nhân đạo Hồng Đức để có thể giúp đỡ được nhiều người hơn.

Ra đời từ tháng 5/2005, Trung tâm của ông Phiệt khi ấy có 12 thành viên, gồm các cựu chiến binh Phòng không-Không quân. Ban đầu, họ góp tiền mua cơ sở vật chất, nhờ “trụ sở” tại nhà của một người tại Lạc Trung, Hà Nội. Ông Phiệt giữ chức danh giám đốc.

Xong phần trụ sở, ông Phiệt và đồng đội bắt đầu liên lạc với các Hội chữ thập đỏ ở các huyện vùng sâu, xa để nhận trẻ em bị chất độc hóa học, khuyết tật… về để chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy nghề. Khóa học đầu tiên gồm 13 học viên, em thì khoèo tay, cụt chân, em thì vẹo lưng… Số tiền nuôi các em và trả cho giáo viên dạy nghề, ông Phiệt và nhóm bạn phải tự trích từ quỹ lương hưu của mình và đi xin tài trợ khắp nơi.

Giám đốc… không lương

Theo ước tính của ông Phiệt, đến nay đã có trên 300 học viên đã “ra lò”. Đa phần họ đều có một cái nghề, cho dù chỉ là may công nghiệp, dán vàng mã hay làm mây tre đan đơn giản. Song, đó cũng là cách để những người khuyết tật khẳng định vị trí của mình, giảm sức ép kinh tế cho gia đình.

Hiện tại, trung tâm của ông Phiệt nuôi dạy 63 trẻ em khuyết tật và 5 cụ già neo đơn, không nơi nương tựa tại 3 cơ sở: Chùa Ngòi (Bắc Ninh), chùa Bạch Liên (Thường Tín, Hà Nội) và tại trụ sở của trung tâm.

Ông Phiệt bảo, với những em có khả năng may mặc (khoảng 15 em), Trung tâm tìm mối hàng để các em làm (chủ yếu là may đồng phục cho các trường học ở Hà Nội). Số tiền thu được sẽ trang trải vào việc ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Chỗ ở và điện nước, trung tâm vẫn giúp toàn bộ.

Còn ở địa điểm Thường Tín là nơi tập hợp của 18 em có khả năng ca hát. Do đó, ngoài những khi đi biểu diễn văn nghệ, các em lại về chùa làm những việc nhỏ như dán vàng mã, mây tre đan…

Ở chùa Ngòi (Lương Tài, Bắc Ninh) là mái nhà của nhiều em nhỏ không có khả năng làm việc, cuộc sống  hàng ngày hoàn toàn trông chờ vào lòng hảo tâm của khách thập phương gửi đến chùa và trung tâm. Ở đây, trung tâm đã bố trí để bốn em đi học tại trường tiểu học của xã, các em còn lại được trung tâm mời thầy về dạy chữ viết.

Điều đáng nói là, tuy trung tâm đã bớt khó khăn hơn trước, thậm chí có những lúc ông Phiệt xin tài trợ được hàng trăm triệu đồng, nhưng ông nhất quyết không… trả lương cho nhóm cựu chiến binh và cả chính mình. Ông bảo, lương hưu mà Nhà nước trả đã đủ ăn rồi, số tiền ấy là của để dành cho các cháu để nhỡ lúc ốm đau, hay không có việc làm thì còn có cái mà ăn…

Trong suốt quãng thời gian đi làm từ thiện, đã có quá nhiều chuyện vui buồn đến với ông Phiệt. Điều vui nhất mà ông nhận được chính là thi thoảng, các học viên từ Nghệ An, Phú Thọ… giờ đã có thể tự chủ được công việc của mình, xuống thăm trung tâm.

“Hôm nọ, có một cháu ở Hoàng Mai, Hà Nội bảo tôi, cửa hàng may của cháu được nhiều người đến nhờ may vá, trả công cao,” ông Phiệt nói. Ngoài ra, cách đây chừng 3 năm, trung tâm của ông Phiệt cũng đã tổ chức lễ cưới cho một đôi khuyết tật (tại cơ sở chùa Ngòi). Đó cũng là những kỷ niệm mà mỗi lần nhắc đến, vị tướng già vui ra mặt.

Đầu năm 2010, ông Phiệt đang bàn giao chức Giám đốc cho ông Nguyễn Mạnh Hiến và lui về chăm sóc mẹ già đã 97 tuổi bị gãy chân, nhưng không vì thế mà việc từ thiện của ông bị gián đoạn. Hiện, ông giữ cương vị Chủ tịch của Trung tâm Nhân đạo Hồng Đức và luôn dành thời gian rảnh rỗi của mình đến đây hoặc bắt xe về các cơ sở, thăm nom các cháu. Và, “mặt trận” giúp đỡ người khuyết tật sẽ theo ông đến cuối cuộc đời./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục