Vỉa hè Hà Nội: Nhiều đầu mối quản lý, trách nhiệm không rõ ràng

Nhiều tuyến vỉa hè trên địa bàn Hà Nội được quản lý, sử dụng vẫn còn nhiều bất cập nguyên nhân chính là do sự phân cấp quản lý chồng chéo dẫn đến trách nhiệm không rõ ràng.
Vỉa hè Hà Nội: Nhiều đầu mối quản lý, trách nhiệm không rõ ràng ảnh 1Lát gạch vỉa hè phố Phan Đình Phùng. (Ảnh : Trần Thanh Giang/TTXVN)

Hiện nay, vỉa hè trên địa bàn Hà Nội được quản lý, sử dụng vẫn còn nhiều bất cập, chất lượng thấp do hay bị đào lên lấp xuống nhưng không trả lại mặt bằng theo đúng hiện trạng ban đầu, nguyên nhân chính là do sự phân cấp quản lý chồng chéo dẫn đến trách nhiệm không rõ ràng.

Vì vậy, để tăng cường công tác quản lý hè đường đô thị thủ đô, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cần giao về một mối trong công tác duy tu vỉa hè.

Nhiều nguyên nhân “tàn phá” vỉa hè

Thời gian vừa qua, nhiều vỉa hè ở các tuyến phố vẫn lem nhem, nhất là tình trạng vừa làm xong đã hỏng khiến dư luận đặt ra câu hỏi liệu số tiền bỏ ra thi công đã chưa tương xứng với chất lượng công trình.

Sau khi tiến hành kiểm tra, đánh giá về những tồn tại, bất cập trong việc thi công hè phố, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nhìn nhận nguyên nhân chủ quan của việc hư hỏng vỉa hè là do một số người dân thiếu ý thức trong quá trình sử dụng hè phố (như gia công sắt trên vỉa hè, xây dựng công trình dân dụng, tập kết vật liệu…) dẫn đến một số điểm hè phố bị bong bật. Ngoài ra, việc hoàn trả mặt hè của một số đơn vị sau khi thi công hạ ngầm chưa tốt đã làm một số điểm hè phố bị lún sụt.

“Kết cấu của các tuyến hè khi thiết kế cải tạo dành cho người đi bộ nhưng thực trạng các phương tiện tham gia giao thông khi bị ùn tắc hay khi đường bị úng ngập đã đi lên hè. Một số tuyến gạch bị vỡ do tình trạng đỗ xe ô tô trên hè, trong đó có cả xe tải, nhưng chưa được gia cố kết cấu phù hợp,” ông Viện cho hay.

Vỉa hè Hà Nội: Nhiều đầu mối quản lý, trách nhiệm không rõ ràng ảnh 2Khi ùn tắc giao thông, phương tiện đi lên vỉa hè làm hỏng kết cấu tuyến phố. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Bên cạnh đó, vị Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đánh giá, một số ngành như điện, nước… khi cải tạo hè, hạ tầng vẫn còn sự chưa đồng bộ. Các ngành này có tuyến không thực hiện ngay (sau khi đưa vào sử dụng lại xin đào hè, đường để chạy đường dây và ống nước cấp nguồn), gây lãng phí và phản ứng xã hội, dẫn đến chất lượng hè nhanh chóng xuống cấp.

Ngoài những nguyên nhân chủ quan nêu trên còn có các nguyên nhân khách quan như hè phố bị gốc cây to phát triển; ga cống bể sụt lún, xuống cấp dẫn đến làm hư hỏng hè phố…; các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình ngầm nổi trên hè chưa được quản lý chặt chẽ, dẫn đến việc quản lý, bảo trì không được thường xuyên, tạo ra nhiều bất cập, ảnh hưởng tới hè phố.

“Một số chủ đầu tư tuân thủ chưa đầy đủ các quy định về quản lý đầu tư, các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành dẫn đến việc hè phố sau khi xây dựng xong không đảm bảo các yếu tố kỹ thuật,” ông Viện cho biết thêm.

Ngoài ra, ông Viện cũng cho rằng, Ủy ban Nhân dân các quận quản lý trật tự đô thị trên các tuyến hè phố gặp khó khăn trong công tác xử lý như tái diễn vi phạm, lực lượng mỏng nên vẫn còn có một số nơi để xe không đúng quy định, kinh doanh bán hàng lấn chiếm vỉa hè, tập kết vật liệu, xây bục bệ…

Quy về một mối để quản lý, ràng buộc trách nhiệm

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, từ năm 2006 đến nay, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã được giao duy tu duy trì trên toàn bộ các tuyến hè phố do quận quản lý. Do vậy, chất lượng hè phố thuộc trách nhiệm của các đơn vị nêu trên. Tuy nhiên, việc quản lý, bảo trì hè tại các quận được giao cho nhiều đơn vị trực thuộc (Uỷ ban Nhân dân phường hoặc Ban Quản lý dự án ...) dẫn đến việc quản lý không thống nhất.

Điển hỉnh, tại một số quận huyện, trong hợp đồng đặt hàng quản lý, bảo trì hệ thống hè không có công tác tuần tra (chỉ bao gồm việc sửa chữa, duy tu) đã dẫn đến việc phát hiện những tồn tại trên hè phố có nơi có lúc còn chưa kịp thời.

Nhằm khắc phục một số điểm tồn tại trong tham gia quản lý, duy tu hè phố dẫn đến việc chẳng ai trách nhiệm khi xảy ra sự việc, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy hướng dẫn công tác quản lý, đầu tư, khai thác sử dụng hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, nhất quán, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị.

Đặc biệt, Hà Nội cần phân rõ trách nhiệm của cán bộ chức năng thuộc Ủy ban Nhân dân các quận, huyện để đảm bảo tính thống nhất trong quản lý, kiểm tra, tuần tra, xử lý vi phạm.

“Công tác duy tu phải được chú trọng thường xuyên, với việc giao trách nhiệm cho một đầu mối, ký hợp đồng đặt hàng với đơn vị chuyên ngành có đủ năng lực trong đó, giao cho đơn vị được ký hợp đồng đặt hàng quản lý, duy tu hè chịu trách nhiệm giám sát thi công hoàn trả hè đường đồng thời chịu trách nhiệm về chất lượng hè phố do quận quản lý,” ông Vũ Văn Viện kiến nghị.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã đồng ý với những đề xuất của Sở Giao thông Vận tải, giao các Sở, ngành, địa phương có liên quan nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về đầu tư, quản lý, khai thác sử dụng hạ tầng hè phố theo hướng đồng bộ, thống nhất; khẩn trương hoàn thành thiết kế mẫu hè phố đảm bảo chất lượng, phù hợp với công năng sử dụng, mỹ quan đô thị./.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tổng số tuyến hè trên địa bàn các quận là 797 tuyến trong đó, Sở Giao thông Vận tải quản lý 109 tuyến (chiếm khoảng 13%), Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã quản lý 688 tuyến (chiếm khoảng 87%).

Về số tuyến đầu tư, cải tạo sửa chữa hè phố từ năm 2007 đến nay, Ủy ban Nhân dân các quận đầu tư sửa chữa được 320 tuyến (chiếm 46% tổng số tuyến được giao quản lý). Các quận nội thành có tỷ lệ đàu tư cao (khoảng 550 tuyến, chiếm 80%), các huyện có tỷ lệ đầu tư, cải tạo, sửa chữa hè thấp.

Sở Giao thông Vận tải đầu tư, cải tạo sửa chữa từ năm 2013 đến nay là 53 tuyến (chiếm 50% tổng số tuyến được giao quản lý).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục