[Video] Đồng Xâm: Diện mạo mới ở làng chạm bạc nức tiếng 600 năm

Làng chạm bạc Đồng Xâm nức tiếng đất Bắc gần 600 năm qua, ở hữu ngạn sông Đồng Giang (thành phố Thái Bình). Thời hưng thịnh, nghệ nhân của làng từng vào tận Huế để chạm trổ đồ phục vụ cho triều đình.
[Video] Đồng Xâm: Diện mạo mới ở làng chạm bạc nức tiếng 600 năm ảnh 1Một nghệ nhân chạm bạc làng Đồng Xâm. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Bắc Bộ vốn có 3 địa danh nổi tiếng với nghề chạm bạc truyền thống, là làng nghề Định Công (Hà Nội), làng Đồng Xâm (Thái Bình) và làng nghề chế tác vàng bạc Châu Khê (Hải Dương).

Tuy mỗi làng nghề đều có bí quyết để tạo nên dấu ấn riêng cũng như tinh thần và nét độc đáo cho từng sản phẩm của mình, nhưng làng nghề Đồng Xâm hiện nay vẫn là địa chỉ khẳng định được vị thế trên thị trường.

Ngày nay, do nhu cầu thị trường mà những sản phẩm bạc chạm trổ tinh xảo trước đây phải thay bằng đồ đồng với phân khúc đồ thờ cúng, tranh trang trí, linh kiện đồng hồ… Dẫu vậy từng sản phẩm vẫn được các nghệ nhân tạo tác mềm mại, tinh tế, họa tiết bay lượn thể hiện tay nhề điêu luyện. Còn đồ bạc chỉ làm theo đơn đặt hàng chứ hầu như không có sẵn.

Hàng ngày, cả làng Đồng Xâm với 150 cơ sở sản xuất, trên 4.000 lao động thủ công vẫn vang tiếng đục, chạm, hàn… đặc trưng giữa không gian bình yên của một làng quê Bắc bộ.

Để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên phải cắt đồng, làm khuôn, thúc tay rồi chạm trổ, làm bóng trước khi mài, mạ đồng. Trong đó, khó nhất là công đoạn thúc tay để tạo hình khối.

Giờ đây dẫu máy móc hiện đại nhưng vẫn có những công đoạn nhất định phải do bàn tay con người thực hiện. Bởi chỉ có sự tỉ mỉ, bàn tay điêu luyện cùng con mắt nhà nghề và một số kỹ thuật “bí truyền” mới tạo ra sự khác biệt của sản phẩm từ làng Đồng Xâm.

Gắn bó với nghề, kinh tế của người làng Đồng Xâm cũng khấm khá hơn. Những người thợ lành nghề như chú Nguyễn Văn Khoa, đến từ xã Lê Lợi, đã có nhiều năm gắn bó với nghề cho biết, thu nhập trung bình từ 7-8 triệu d dồng mỗi tháng đủ để nuôi dạy hai con nên người. Từ làng nghề này, nhiều thế hệ đã lớn lên, trưởng thành./.

(Vietnam+)