[Video] Hà Tĩnh: Nghề chằm tơi 'ăn sâu vào máu' của người Yên Lạc

Trải qua nhiều thăng trầm, biến động, nghề chằm áo tơi ở thôn Yên Lạc, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đến nay vẫn tồn tại và giữ được nét riêng độc đáo.

Vào mùa gặt tháng Bảy, trên những cánh đồng lúa ở Hà Tĩnh, không khó gặp những người nông dân đang trần mình dưới cái nắng bỏng rát để chăm bón cho những ruộng lúa sắp đến kỳ thu hoạch.

Để chiến đấu với nắng nóng khắc nghiệt, bà con nơi đây luôn khoác trên mình một chiếc “áo giáp lá.” Chiếc áo được họ quen gọi là áo tơi.

Trải qua nhiều thăng trầm, biến động, nghề chằm áo tơi ở thôn Yên Lạc, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đến nay vẫn tồn tại và giữ được nét riêng độc đáo. Thôn hiện có hơn 100 hộ với 300 nhân khẩu thì đã có đến hơn 200 người biết chằm tơi.

Nghề chằm tơi ở Yên Lạc bắt đầu từ khoảng tháng Ba đến hết tháng Sáu Âm lịch. Nguyên liệu chính của áo là lá tơi và dây mây.

Người dân trong làng thường phải lên tận núi Khe Giao hoặc vào vùng Hương Khê, Vũ Quang để thu hoạch lá.

Lá thu về được sấy khô rồi phơi sương cho nở và dai hơn.

Sau đó, người dân bắt đầu vuốt dây mây, tách thành sợi, se lại với nhau để làm chiềng tơi.

Chiềng tơi và dây thừng được nẹp vào một miếng ván gỗ để cố định chiếc áo tơi. Từng lớp lá tới sẽ được xếp lên và may lại cho đến khi áo đủ dài.

Áo tơi chằm xong, sẽ đem phơi thêm "vài nắng" rồi cuốn lại như sâu kèn, sẵn sàng sử dụng.

Người làng Yên Lạc luôn tìm thấy niềm vui mỗi khi vào mùa chằm tơi.

Đối với họ, nghề chằm tơi đã ăn sâu vào máu, gìn giữ nghề cũng chính là giữ lại nét hồn quê mộc mạc, chân chất...

Bao nhiêu năm qua, áo tơi chở che cho các bà, các mẹ tảo tần đang vun trồng cho những mùa màng tươi tốt.

Vẻ đẹp bình dị và thân thương ấy đã luôn khắc ghi vào tiềm thức của những người con nơi đây để mỗi khi trở về, lòng lại thấy yên bình đến lạ: "Áo tơi mẹ mặc một thời/Che mưa, che nắng, che trời bão dông/Hai sương một nắng trên đồng/Cái nắng tháng sáu mưa dông ngày Hè"./.

(Vietnam+)