Xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ trước đây là vùng đất bốn bề bao quanh nước phủ. Từ xa xưa, phụ nữ nơi đây đã có một nghề đặc biệt, cái nghề được ví như “Ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ."
Đó là nghề đi lấy nhựa cây sơn, hay còn được bà con nơi đây gọi dân dã là “đi sơn."
Một ngày đi sơn của các bà, các cô thường bắt đầu từ nửa đêm. Công việc đầu tiên phải làm là chuẩn bị đủ ánh sáng cho một đêm đi rừng.
Ngày xưa ánh sáng chỉ đơn giản là que đóm, que nứa chứ chưa có đèn dầu. Nên người ta phải chuẩn bị thật nhiều, vừa phục vụ quãng đường đi bộ 4-5km vào rừng nguyên sinh. Vừa đủ soi để cắt nhựa cho tới khi trời sáng.
Càng cắt sớm trong đêm, thì nhựa sơn càng được nhiều. Nhựa thường được hứng bằng vỏ của con trai. Vì mỏng, sắc, lại nhẵn, không dính nhựa sơn nên rất dễ thu hoạch.
Sơn thu về sẽ được đem bán cho các hộ làm gỗ trong và ngoài làng. Để dùng làm sơn pha - chất kết dính các mộng gỗ.
Đồng thời cũng giúp đồ gỗ không bao giờ bị mục ruỗng. Nghề sơn đã song hành cùng nghề mộc nơi đây cả một hành trình dài lịch sử.
Giờ đây, dẫu cho sự phát triển đã khiến cho nghề sơn dần bị mai một nhưng đối với người dân Dị Nậu, nghề đi sơn vẫn là một nét văn hóa độc đáo, không bao giờ lãng quên./.