[Video] Tiêm thuốc độc vào sừng tê giác để chống săn bắt trộm

Một hợp chất được tiêm vào sừng tê giác nhằm làm nhiễm độc và bẩn sừng khiến chúng không còn hữu dụng cho việc chữa bệnh cũng như trang trí, thậm chí còn gây hại cho sức khỏe con người nếu sử dụng.
[Video] Tiêm thuốc độc vào sừng tê giác để chống săn bắt trộm ảnh 1Tê giác tại Vườn thú Quốc gia Kruger ở Nam Phi. (Ảnh: AFP/TTXVN)
 

Bắt đầu được triển khai từ năm 2010, dự án giải cứu tê giác Rhino Rescue Project do tiến sỹ Lorinda Hern đồng sáng lập, đã tiêm vào sừng tê giác một hợp chất gồm ectoparasiticides và thuốc nhuộm không phai màu.

Sừng tê giác sau khi được tiêm hợp chất trên được coi là không thể sử dụng làm dược phẩm.

Dự án Giải cứu tê giác là tổ chức đầu tiên tiến hành tiêm chất độc vào sừng tê giác, cũng là nhóm tiên phong trong việc sử dụng công nghệ này ở châu Phi cung cấp các hình thức trị liệu cho các khu bảo tồn thiên nhiên.

[[Video] Trái Đất đang bước vào giai đoạn đại tuyệt chủng lần thứ 6]

Dự án cho đến nay đã tiêm thuốc cho hơn 700 cá thể tê giác tại Nam Phi và đang tiến hành mở rộng quy mô ra các khu vực lân cận.

Đồng thời với việc tiêm thuốc độc, các tổ chức cứu trợ cũng tăng cường các biện pháp an ninh bảo vệ tê giác như gắn vi mạch theo dõi, lấy và lưu giữ mẫu ADN, dùng định vị phóng xạ để theo dõi nạn buôn bán sừng tê giác trên toàn cầu.

Sừng tê giác được tiêm thuốc cũng chứa chất đánh dấu phóng xạ và có thể được phát hiện với máy quét ở sân bay./.

(Vnews)