[Video] Trở về dòng sông bồi đắp cho ‘Hạt gạo làng ta’

Dù chỉ là một trong số hàng chục con sông “chở nặng phù sa” cho vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhưng sông Kinh Thầy tại tỉnh Hải Dương, xưa nay đã được rất nhiều người biết đến qua bài thơ “Hạt gạo làng ta.”
Đổi thay trên dòng sông bồi đắp cho ‘Hạt gạo làng ta.’ (Video: Hùng Võ/Vietnam+)

Dù chỉ là một trong số hàng chục con sông “chở nặng phù sa” cho vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhưng sông Kinh Thầy tại tỉnh Hải Dương, xưa nay đã được rất nhiều người biết đến qua bài thơ “Hạt gạo làng ta” có lời mẹ hát, ngọt bùi đắng cay...

Sông Kinh Thầy, hay còn gọi là sông Kinh Thày có chiều dài 44,5 km, được tách ra từ sông Thái Bình, chảy theo hướng Đông Nam (giữa thị xã Chí Linh và huyện Nam Sách) tới điểm cuối của dòng sông là bến Lục Đầu Giang lịch sử.

Trong thời kháng chiến chống Pháp, sông Kinh Thầy là quê hương của nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi. Khi ấy, chị Mạc Thị Bưởi tham gia du kích, xây dựng cơ sở kháng chiến, làm liên lạc, trinh sát, nhiều lần vượt sông Kinh Thầy ban đêm bằng thuyền và bơi lặn, tổ chức nhiều trận đánh phục kích tiêu diệt quân địch.

Trải qua những năm tháng lịch sử, biết bao thế hệ đã lớn lên và trưởng thành, nhưng sông Kinh Thầy - con sông anh dũng một thời lịch sử vẫn nhẹ nhàng trôi, mang về những lớp phù sa màu mỡ bồi đắp cho “hạt gạo làng ta” dẻo thơm ra đời.

Giá trị của sông Kinh Thầy là vậy, thế nhưng đó là câu chuyện của gần một thập kỷ trở về trước, khi dòng sông nước đang còn trong xanh, hai bên bờ còn được phủ xanh bởi những cánh đồng ngô, vườn chuối,…Còn giờ đây, dòng sông “ngọt bùi đắng cay” này lại đang bị đè nặng bởi sức ép phát triển kinh tế quá lớn.

[Khoảng 78% nước thải tại Hà Nội chưa được thu gom, xử lý triệt để]

Để tận thấy sự đổi thay của dòng sông bồi đắp cho “hạt gạo làng ta” ở đồng bằng Bắc Bộ này, phóng viên VietnamPlus đã có chuyến đi trên thuyền, “đánh vật với con nước” để ghi lại toàn bộ cảnh vật, cũng như hoạt động sản xuất ở đôi bờ.

Những hình ảnh ghi lại cho thấy, dọc hai bờ sông Kinh Thầy, đoạn chảy qua huyện Kinh Môn, hàng loạt nhà máy xi măng, luyện thép, bãi tập kết than, vật liệu xây dựng,…mọc lên như nấm, đã khiến dòng sông “ngọt bùi đắng cay” ngày càng ô nhiễm bởi tình trạng khói, bụi, chất thải và tiếng ồn phát ra cả ngày lẫn đêm.

Quan sát cảnh vật ven sông, lúc nào cũng thấy ngập màu ánh sáng như thể một thành phố thu nhỏ về đêm, được nhuộm bởi hàng ngàn thứ ánh đèn, ngọn lửa cùng với tiếng ồn vang vẳng phát ra từ các nhà máy luyện thép, sản xuất xi măng…

Cũng như trên cạn, dưới nước, ánh sáng phát ra từ hàng trăm phương tiện tàu thuyền ra sức hút cát, chở hàng hóa trôi nổi trên sông cũng tạo nên những “tuyến đường giao thông,” góp phần làm cho dòng sông Kinh Thầy thêm phần nhộn nhịp.

Chỉ có điều, sự sống động ấy đã và đang khiến dòng sông bồi đắp cho ‘hạt gạo làng ta’ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ dường như ngày càng thêm phần “đắng cay” do bị ô nhiễm bởi các nguồn chất thải trên bờ, bị máy móc đào bới, múc hút tài nguyên../.

[Video] Trở về dòng sông bồi đắp cho ‘Hạt gạo làng ta’ ảnh 1Hoạt động sản xuất ven dòng sông bồi đắp cho ‘Hạt gạo làng ta.’ (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
[Video] Trở về dòng sông bồi đắp cho ‘Hạt gạo làng ta’ ảnh 2Đổi thay trên dòng sông bồi đắp cho ‘Hạt gạo làng ta.’ (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
[Video] Trở về dòng sông bồi đắp cho ‘Hạt gạo làng ta’ ảnh 3Sông Kinh Thầy được biết đến là dòng sông bồi đắp cho ‘Hạt gạo làng ta.’ (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục