[Video] Về Cao Bằng khám phá nghề làm hương ở làng Phia Thắp

Làng Phia Thắp nằm nép mình dưới chân núi Phà Hùng, thuộc xã vùng 3 Quốc Dân, huyện Quảng Uyên, Cao Bằng. Nơi đây được biết đến với nghề làm hương truyền thống từ bao đời nay.

51 hộ dân người Nùng An ở đây vẫn giữ được nghề làm hương sạch, thủ công mà cha ông để lại.

Hương Phia Thắp được làm hoàn toàn tự nhiên, theo cách cổ truyền của bà con nơi đây.

Để làm được que hương, đầu tiên bà con nơi đây phải vào rừng tìm hái lá cây bầu hắt. Loại cây này chỉ mọc tự nhiên bên những vách đá. Nó là nguyên liệu để tạo nên chất keo dính - thành phần không thể thiếu khi làm hương.

Lá bầu hắt đem về sẽ được phơi khô khoảng ba ngày, sau đó tán nhỏ để làm keo. Trong khoảng thời gian chờ khô lá, người ta sẽ làm chân hương.

Chân hương ở đây thường được bà con làm từ tre mạy mười có dóng dài hoặc cây mai, vừa thẳng, vừa dẻo lại dễ bắt lửa.

Tất cả các công đoạn chẻ mai, vót nhỏ đều được bà con làm hoàn toàn bằng tay.  Những que mai vẫn tròn đều, thẳng tắp chẳng khác gì làm bằng máy.

Tiếp đến là công đoạn phủ trầm, cây nhang sẽ được nhúng vào lớp keo lá, rồi rắc bột mùn cưa lên.

Mùn cưa của những cây tràm, cây mạy khảo, được người dân chặt trước cả năm, để hóa mùn rồi mới đem trộn với trầm hương.

Ngày có nắng, bà con sẽ đem hương ra phơi. Còn nếu gặp những ngày mưa, thời tiết không tốt, thì dù muốn cũng chẳng cách nào làm được.

Làm kỳ công vất vả như vậy, nhưng giá thành một bó hương thì cũng chỉ được từ 3 đến 5 nghìn đồng.

Đối với người dân nơi đây, làm hương mục đích chính vẫn là để phục vụ tổ tiên, phong tục tập quán.

Vậy nên dù khó, dù khổ, dù phụ thuộc trăm bề, bà con Phia Thắp vẫn không bao giờ bỏ nghề làm hương của ông cha mình./.

(Vietnam+)