[Videographics] Những thảm họa gì đe dọa nhân loại trong tương lai?

Tùy thuộc vào cách chúng ta quản lý hoạt động xả thải trong tương lai, đến năm 2100, nhiệt độ có thể tăng thêm 5 độ C nữa và sẽ tàn phá cuộc sống trên Trái đất bằng hàng loạt thảm họa.

Nhiệt độ Trái đất đã tăng trung bình 0,8 độ C kể từ khi quá trình công nghiệp hóa bắt đầu. Độ cô đặc của các loại khí nhà kính trong khí quyển đang ở mức cao nhất trong ít nhất 800.000 năm qua.

Tùy thuộc vào cách chúng ta quản lý hoạt động xả thải trong tương lai, đến năm 2100, nhiệt độ có thể tăng thêm 5 độ C nữa và sẽ tàn phá cuộc sống trên Trái đất.

Ngay cả trong những kịch bản lạc quan nhất, tình trạng Trái đất nóng lên diễn ra nhanh chóng hơn cũng có thể đe doạ các nguồn nước uống và an ninh lương thực của hàng triệu người.

[Videographics] Những thảm họa gì đe dọa nhân loại trong tương lai? ảnh 1Hồ Chandola ở Ahmedabad, Ấn Độ khô cạn do hạn hán. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sản lượng 4 loại cây lương thực chính trên thế giới, gồm lúa mì, ngô, gạo và đậu nành, chắc chắn sẽ giảm sút.

Trong khi đó, dự kiến đến năm 2050, sản lượng lương thực sẽ phải tăng gấp đôi để cung cấp thức ăn cho hơn 9 tỷ người sinh sống trên hành tinh này.

Đồng thời, 20-30% các loài động thực vật đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vì nhiệt độ thay đổi nhanh đến mức chúng không thể thích nghi được.

Đến cuối thế kỷ 21, mực nước biển được dự đoán sẽ dâng từ 26-98cm do băng tan và do nước biển nở ra khi nóng lên.

Điều này có khả năng gây ra các cuộc di dân quy mô lớn trên toàn thế giới, từ các vùng đồng bằng châu thổ trũng thấp.

Nước biển chỉ cần dâng 30cm thôi cũng đủ để làm trầm trọng thêm đáng kể các hiện tượng khí hậu cực đoan, khiến cho tần suất xảy ra bão, hạn hán, lũ lụt và lở đất gia tăng.

Các hồ chứa nước sạch lưu giữ băng sẽ trở nên khan hiếm hơn và dòng chảy sông ngòi sẽ suy giảm, dẫn tới phản ứng dây chuyền đối với sản lượng thủy điện và nông nghiệp.

Các đại dương sẽ tiếp tục bị axit hóa, và tình trạng di cư do khí hậu của các nguồn cá sang vùng nước ngọt sẽ tác động lên nhiều vùng đánh bắt, khiến một số quần thể nhất định mất đi nguồn thức ăn thiết yếu.

Tác động tích lũy của tình trạng nóng lên toàn cầu cũng sẽ làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột bạo lực ở một số quốc gia, liên quan đến việc tranh chấp lãnh thổ hoặc nguồn nước.

Nhiều tác động được dự báo nêu trên chắc chắn sẽ diễn ra, vì CO2 sẽ còn đọng lại trong khí quyển suốt nhiều thế kỷ.

Trái đất nói "không" với nỗ lực giảm thải của con người

Các nhà khoa học cảnh báo kể cả các quốc gia trên thế giới có đạt được các mục tiêu cắt giảm khí thải như trong hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu thì Trái Đất vẫn rơi vào tình trạnh "nóng như đổ lửa" vì những nguồn xả thải CO2 khác mà con người không chủ động kiềm chế được.

Theo tính toán trong nghiên cứu mới đăng trên chuyên san Viện khoa học quốc gia Mỹ (PNAS), nếu các quốc gia đạt mục tiêu cắt giảm khí thải như trong hiệp định thì nhiệt độ trung bình Trái Đất vẫn sẽ tăng lên từ 4-5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp chứ không chỉ là 1,5-2 độ C như kế hoạch.

[Videographics] Những thảm họa gì đe dọa nhân loại trong tương lai? ảnh 2Cháy rừng tại California, Mỹ ngày 1/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo nghiên cứu này, các tác giả đã nhắc tới những khía cạnh khi Trái Đất chuyển từ trạng thái trung hòa hoặc có ích sang có hại thì mức xả khí CO2 hoặc khí methane vào trong khí quyển sẽ nhiều hơn mức xả thải tất cả các hoạt động của con người kết hợp lại.

Nghiên cứu cho thấy các rừng và đại dương trên Trái Đất hiện hấp thụ khoảng hơn 50% lượng khí thải carbon toàn cầu trong vài thập kỷ qua kể cả khi con người ngày càng xả nhiều khí thải hơn.

Nhưng diện tích rừng thì ngày càng thu hẹp trong khi các đại dương cũng dần bão hòa lượng CO2 có thể hấp thụ, điều này đồng nghĩa với việc những vùng hấp thụ CO2 tự nhiên đang yếu dần đi.

Trong khi đó, lượng khí methane và CO2 trong lòng đất ở những khu vực tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu ở Nga, Canada hay ở Bắc Âu tương đương với 15 năm xả thải của con người ở mức xả thải hiện nay.

Vì vậy, việc rò rỉ những khí này từ lòng đất cũng góp phần làm quá trình ấm lên toàn cầu nhanh hơn và theo vòng tròn lại đẩy nhanh quá trình rò rỉ khí thải này.

Tương tự, lượng khí methane trong tầng nước sâu dưới lòng đại dương từng được cho là nhân tố tạo ra thời kỳ nóng lên toàn cầu từ nhiều triệu năm trước, cũng rất dễ chịu tác động ở một ngưỡng nhiệt nào đó chưa được xác định.

Đây đều là những nguồn phát thải khí góp phần đẩy nhanh quá trình ấm lên toàn cầu mà con người không thể chủ động kiểm soát.

Hàng nghìn tỷ tấn băng đã biến mất trong 25 năm qua

Theo nghiên cứu, lượng băng ở Nam Cực đang tan nhanh ở mức báo động, với khoảng 2.700 tỷ tấn băng biến mất trong 25 năm, từ 1992 đến 2017.

Tây Nam Cực tỏ ra "nhạy cảm" hơn với tình trạng biến đổi khí hậu khi phần lớn lượng băng tan (hơn 70%) ở khu vực này.

[Videographics] Những thảm họa gì đe dọa nhân loại trong tương lai? ảnh 3Dòng sông băng ở Nam Cực đang tan với tốc độ báo động. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Lượng băng tan khá ít ở Đông Nam Cực, với khoảng 31 tấn/năm kể từ năm 2012. Tốc độ băng tan hằng năm cũng nhanh hơn, lên 219 tấn/năm kể từ năm 2012, so với 76 tỷ tấn thời kỳ trước đó.

Nghiên cứu cũng cho thấy với xu hướng hiện tại, Nam Cực nhiều khả năng trở thành nguồn lớn nhất làm tăng mực nước biển.

Dự báo, đến cuối thế kỷ 21 này, riêng Nam Cực có thể khiến mực nước biển tăng thêm 16cm. Các nhà khoa học cảnh báo mực nước biển tăng đe dọa đến nhiều thành phố ven biển và những cộng đồng ở vùng trũng, nơi hàng trăm triệu dân đang sinh sống./.

(Vietnam+)