Việc áp thuế "ăn miếng trả miếng" không đem lại lợi ích cho nước nào

Nhật kêu gọi sớm tìm ra giải pháp cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp nội các thường kỳ, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi khẳng định việc áp thuế ăn miếng trả miếng sẽ không đem lại lợi ích cho bất kỳ nước nào.
Nhật kêu gọi sớm tìm ra giải pháp cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh 1Sản phẩm nhôm hợp kim xuất khẩu tại một nhà máy ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/9, các nhà hoạnh định chính sách Nhật Bản kêu gọi sớm tìm ra giải pháp cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang leo thang, đồng thời cảnh báo về nguy cơ gây phương hại tới tốc độ tăng trưởng toàn cầu.

Lời kêu gọi được đưa ra sau Tổng thống Donald Trump ngày 17/9 áp thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp nội các thường kỳ, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi khẳng định việc áp thuế ăn miếng trả miếng sẽ không đem lại lợi ích cho bất kỳ nước nào.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso cho rằng trong khi tình trạng mất cân bằng thương mại toàn cầu cần được điều chỉnh để tránh một cuộc khủng hoảng tài chính khác, thì Mỹ và Trung Quốc cần giải quyết vấn đề thông qua đối thoại, thay vì áp thuế trả đũa lẫn nhau.

Ông Aso nhấn mạnh: “Hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới này cần tiến hành đối thoại thích hợp. Sự sụt giảm khối lượng giao dịch đồng nghĩa với việc hai nền kinh tế này đang ‘co lại,’ và tác động đối với các nước khác sẽ ngày càng lớn."

Cùng chung nhận định, Bộ trưởng Thương mại Hiroshige Seko cũng cho rằng quyết định của Tổng thống Trump áp thuế mới đối với Trung Quốc là “vô cùng đáng tiếc,” bởi quyết định này có thể gây tổn hại nền kinh tế toàn cầu, và có thể gây ra tác động không lường trước với các nền kinh tế khác.

Theo ông, Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét kỹ mức độ tác động của cuộc chiến thương mại này đối với các công ty Nhật Bản.

Các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản đưa ra lời kêu gọi trên trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/9 thông báo từ ngày 24/9 sẽ áp mức thuế 10% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD và sau đó là mức thuế lên tới 25% vào đầu năm 2019.

['Hành động thương mại của Mỹ nhằm vào Trung Quốc sẽ vô ích']

Các mặt hàng bị áp thuế đợt này bao gồm hàng hóa công nghệ cao, module bộ nhớ máy tính, bộ xử lý dữ liệu tự động, đồng hồ thông minh, thiết bị Bluetooth, trang thiết bị văn phòng như máy photocopy...

Mặc dù nhiều nhà hoạch định chính sách Nhật Bản không xem bất đồng thương mại Mỹ-Trung là mối đe dọa trực tiếp đối với sự phục hồi kinh tế của đất nước, song họ lo ngại thiệt hại có thể trở nên nghiêm trọng nếu Tổng thống Trump quyết định tăng thuế đối với ôtô và linh kiện ôtô nhập khẩu.

Một số nhà hoạch định chính sách cũng lo ngại, Nhật Bản có thể chịu sức ép từ Tổng thống Trump trong việc mở cửa thị trường nông nghiệp nhạy cảm của nước này thông qua một thỏa thuận thương mại tự do song phương.

Theo kế hoạch, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Trump sẽ gặp nhau bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại New York, Mỹ từ ngày 25/9 tới.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Motegi và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ tiến hành vòng đàm phán thương mại thứ hai trước thềm cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục