Viễn cảnh kinh tế của Eurozone vẫn ảm đạm

Sự suy giảm doanh số bán lẻ đang khiến giới phân tích lo ngại triển vọng phục hồi kinh tế tại khu vực Eurozone có thể bị kéo lùi.
Bất chấp lòng tin kinh tế của châu Âu tiếp tục cải thiện tháng thứ 9 liên tiếp trong tháng 12/2009, sự suy giảm về doanh số bán lẻ giai đoạn trước lễ Giáng sinh tại các nước thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã khiến giới phân tích ngày 7/1 tỏ ra lo ngại rằng triển vọng phục hồi kinh tế có thể bị kéo lùi.

Các chỉ số đáng thất vọng của lĩnh vực bán lẻ đã chứng tỏ sự "thụt lùi" giữa một loạt số liệu tích cực khác. Điều này nhấn mạnh "tính mong manh" của các chỉ số lòng tin do Ủy ban châu Âu (EC) mới công bố.

Theo số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), doanh số bán lẻ tại Eurozone trong tháng 11/2009 đã giảm 1,2% so với tháng trước đó và giảm 4% so với cùng kỳ năm 2008.

Doanh số bán lẻ tháng này của toàn Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 nước thành viên cũng giảm 0,8% so với tháng 10/09 và giảm 2,1% so với tháng 11/2008.

Nhà phân tích Howard Archer, thuộc hãng IHS Global Insight, nhận xét các số liệu trên làm gia tăng những quan ngại rằng chi tiêu tiêu dùng yếu ớt có thể kéo lùi đà phục hồi kinh tế của Eurozone.

Ông Archer cảnh báo người tiêu dùng tại Eurozone hiện vẫn chưa muốn "vung tiền" để mua sắm.

Cùng ngày, EC công bố kết quả khảo sát cho thấy, lòng tin kinh doanh và tiêu dùng của châu Âu tiếp tục vững tháng thứ 9 liên tiếp trong tháng 12/09, nhờ sự cải thiện đáng kể tại nền kinh tế Anh.

Chỉ số lòng tin kinh tế của khu vực Eurozone trong tháng 12/2009 đã ở mức 91,3 điểm, tăng 2,5 điểm so với tháng trước đó và tăng 4,1 điểm so với cùng kỳ năm 2008, cao hơn nhiều so với mức thấp kỷ lục 64 điểm hồi tháng 3/09, với kinh tế của toàn khối nói chung đã trỗi dậy từ suy thoái.

Tại Anh, nền kinh tế chủ chốt duy nhất vẫn "mắc cạn" trong suy thoái, chỉ số niềm tin kinh tế tháng 12/09 tăng 8,2 điểm, lên mức trung bình 92 điểm của toàn EU.

Lòng tin kinh tế tại Pháp, Italy, Đức và Tây Ban Nha - những nền kinh tế mà một số chuyên gia lo ngại có nguy cơ đối mặt với suy thoái kép - cũng đang trong xu thế tăng điểm.

EC cho rằng sự cải thiện lòng tin kinh tế ở cả Eurozone và EU nói chung là nhờ lòng tin cao hơn vào ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, nhà phân tích Clemente De Lucia của ngân hàng BNP Paribas nhận định kết quả khảo sát của EC chứa đựng những "dấu hiệu đáng quan ngại", đồng thời lưu ý rằng triển vọng việc làm trong cả lĩnh chế tạo và dịch vụ vẫn ở mức thấp nhất lịch sử.

Theo ông Lucia, điều này kết hợp với lạm phát đang tăng lên sẽ kiềm chế chi tiêu tiêu dùng trong những quý tới./.

Nguyễn Trường (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục