Viễn cảnh Nghị viện châu Âu 'ồn ào hơn' sau cuộc bầu cử

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đã củng cố sự ủng hộ của nhóm người hoài nghi về châu Âu, đặc biệt là ở Pháp và Italy, nơi họ sẽ thành lập một “khối thiểu số” để định hình các quyền ưu tiên của EU.
Viễn cảnh Nghị viện châu Âu 'ồn ào hơn' sau cuộc bầu cử ảnh 1Lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN) của Pháp Marine Le Pen trong một bài phát biểu ở Villeblevin ngày 21/5/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tân Hoa xã đưa tin theo phân tích của giới chuyên gia, Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ nhìn thấy một cơ quan lập pháp “ồn ào hơn” sau khi cuộc bầu cử đã củng cố sự ủng hộ của nhóm người hoài nghi về châu Âu, đặc biệt là ở Pháp và Italy, nơi họ sẽ thành lập một “khối thiểu số” để định hình các quyền ưu tiên của EU.

Ở Pháp, đảng Tập hợp Quốc gia do bà Marine Le Pen, một nhà phê bình thẳng thắn lâu năm của khối châu Âu, lãnh đạo hiện dẫn đầu với 23,3% số phiếu ủng hộ, hơn 1% so với phong trào Tiến bước của Tổng thống Emmanuel Macron.

Ở Italy, Liên đoàn phương Bắc của Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini đã giành được 1/3 số phiếu bầu, đánh dấu một bước nhảy vọt so với 6,15% số phiếu họ giành được trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2014.

"Điều đáng chú ý là ở hai quốc gia thành viên sáng lập EU, Italy và Pháp, những người hoài nghi châu Âu và theo chủ nghĩa dân túy đang dẫn đầu.

Điều này đặc biệt tồi tệ ở Pháp vì Tổng thống Macron đặt châu Âu làm trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của mình.

[Liên minh châu Âu chia rẽ trong lựa chọn chủ tịch Ủy ban châu Âu]

Rõ ràng, hiện nay bà Le Pen và ông Salvini sẽ là một cực hấp dẫn cho bất kỳ đảng chính trị dân tộc nào khác trong Nghị viện EU," ông Gianni Bonvicini - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Italy (IAI) - nói.

Tuy nhiên, ông Steven Blockmans - Nghiên cứu viên cao cấp và là Trưởng phòng chính sách đối ngoại thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu - lưu ý rằng phong trào Tiến bước của ông Macron, đã đi từ "không có gì đến vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng tổng thể."

Ông Blockmans phân tích: "Phong trào này thường được miêu tả thua cuộc trong bầu cử, bởi vì ông Macron đã biến nó thành một cuộc trưng cầu dân ý về bản thân và các chính sách của ông kể từ khi ông nắm quyền tổng thống và kiểm soát Quốc hội Pháp."

"Nếu bạn nhìn vào thành công tương đối của đảng Tập hợp Quốc gia của bà Marine Le Pen, vâng, họ giành được số phiếu lớn nhất, nhưng chỉ chênh 1% so với phong trào Tiến bước của ông Macron, thì con số đó là không nhiều."

"Khối thiểu số"

Trong Nghị viện châu Âu, các nhà lập pháp dưới thời ông Salvini và bà Le Pen là nằm trong nhóm châu Âu tự do và các quốc gia riêng rẽ (ENF).

Trước cuộc bầu cử, có nhiều lo ngại rằng ENF và những người hoài nghi châu Âu của nhóm này có thể làm thay đổi quang cảnh chính trị trong Nghị viện châu Âu.

Bây giờ, với kết quả được công bố, các lực lượng của họ sẽ không đủ lớn, nhưng "họ sẽ là một ‘nhóm thiểu số’ tốt để có thể ngăn chặn một số quyết định ở Nghị viện," ông Bonvicini nói.

Đảng mới Brexit của ông Nigel Farage cũng thể hiện rất tốt trong cuộc bầu cử này, nếu so với đảng Bảo thủ và Công đảng ở Anh.

"Nếu quả thực đảng Brexit gia nhập một liên minh mở rộng mà bà Le Pen, ông Salvini và những người khác có cùng quan điểm, khi đó họ sẽ trở thành một lực lượng đáng gờm," ông Blockmans nói.

Họ chắc chắn sẽ để lại dấu ấn của mình trong các chủ đề từ nhập cư, tị nạn cho đến tương lai của khu vực Schengen, ông Blockmans nhấn mạnh.

Vẫn còn phải chờ xem làm thế nào nhóm người hoài nghi châu Âu đoàn kết trong cơ quan lập pháp mới. "Nếu ít nhất họ đoàn kết để giành được 33% số phiếu trong Nghị viện châu Âu, khi đó họ thực sự có thể ngăn chặn các sáng kiến chính sách từ đàm phán thương mại quốc tế cho đến đàm phán ngân sách,” ông Blockmans nói.

"Vì vậy, trong khi họ không thể đáp ứng được các kỳ vọng như mong đợi của cử tri- số lượng ghế có thể thấp hơn- họ vẫn sẽ tạo được dấu ấn của mình trong Nghị viện châu Âu mới," ông nói thêm.

Sự đồng thuận khó khăn hơn nhiều

Trong bốn thập kỷ qua, Nghị viện châu Âu đã chứng kiến một “liên minh lớn” của phe trung hữu và trung tả, nơi hai nhóm kiểm soát hơn một nửa số ghế của cơ quan lập pháp này.

Viễn cảnh Nghị viện châu Âu 'ồn ào hơn' sau cuộc bầu cử ảnh 2Toàn cảnh cuộc họp không chính thức các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu ở Brussels, Bỉ, ngày 28/5/2019. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Trong năm nay, cả hai lực lượng này - Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) và Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ (S&D) - đã mất nhiều ghế, lần đầu tiên họ bị tước đoạt thế đa số tại Nghị viện.

Cụ thể, đảng EPP có thể giành được 180 ghế và đảng S&D khoảng 145 ghế, chưa chiếm được một nửa trong tổng số 751 ghế nghị viện.

Liên minh Tự do và Dân chủ cho châu Âu (ALDE&R) và đảng Xanh đứng ở vị trí thứ ba và thứ tư lần lượt có thể là 109 ghế và 69 ghế.

"Quá trình ra quyết định của EU sẽ chậm hơn bởi vì Nghị viện EU giờ đây rất rời rạc và một đa số mới sẽ phải được tìm thấy trong các nhóm khác nhau. Chắc chắn, đó sẽ là một Nghị viện châu Âu ồn ào hơn, nhưng có lẽ lại phản ánh đúng đắn hơn thái độ của cử tri trên khắp châu Âu nếu so với trước đây," ông Blockmans nói.

Trong khi đó, ông Gu Xuewu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu toàn cầu thuộc Đại học Bonn, nhấn mạnh sự phân mảnh hơn nữa của các đảng phái chính trị cho thấy châu Âu sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng sự đồng thuận cũng như xác định một thế hệ lãnh đạo EU mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục