Viễn cảnh trái ngược của tăng trưởng kinh tế Pháp và Đức

Ngân hàng Trung ương Pháp đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong 2 năm tới, trong khi đó Ngân hàng Trung ương Đức lại thể hiện sự lạc quan đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
Viễn cảnh trái ngược của tăng trưởng kinh tế Pháp và Đức ảnh 1Một siêu thị ở Paris. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Ngày 4/12, Ngân hàng Trung ương Pháp đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong 2 năm tới, trong đó năm 2016 sẽ giảm xuống 1,4% từ mức 1,8% và năm 2017 là 1,6% từ mức 1,9%, song giữ nguyên dự báo trong năm nay ở mức 1,2%.

Theo thông báo của Ngân hàng Trung ương Pháp, việc điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Pháp trong 2 năm tới theo chiều hướng giảm là do tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị chậm và sức đầu tư kinh doanh yếu kém hơn mong đợi.

Cũng theo nhận định của ngân hàng này, kinh tế Pháp được hồi phục trong năm 2015 này là nhờ giá dầu mỏ thấp và đồng euro giảm giá góp phần thúc đẩy xuất khẩu, bất chấp sự suy giảm trong thương mại thế giới kể từ đầu năm.

Ngân hàng Trung ương Pháp cũng cho rằng tác động đối với kinh tế nước này từ loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Paris đêm 13/11 sẽ chỉ là "tạm thời."

Trước đó, Chính phủ Pháp đã dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm nay ít nhất ở mức 1,1% và 1,5% trong năm tới.

Trái ngược với sự bi quan ở Pháp, Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) cùng ngày cũng đã thể hiện sự lạc quan đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.

Theo Bundesbank, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức trong năm 2015 và 2016 sẽ không thay đổi và đạt mức tăng trưởng lần lượt là 1,7% và 1,8%, trong khi tăng dự báo tăng trưởng năm 2017 lên mức 1,7% so với mức dự báo 1,5% trước đó.

Kinh tế Đức tăng trưởng chủ yếu là do nhu cầu trong nước tăng. Mặc dù cuộc khủng hoảng người di cư tác động lớn đến nguồn cung lao động, song thị trường lao động Đức vẫn bị đánh giá là thiếu hụt, một nguyên nhân khiến tiền lương trả cho lao động tăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục