Viễn cảnh u ám đang bao trùm nền kinh tế toàn cầu

Ngày càng khó dự đoán sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong tương lai sẽ xuất phát từ đâu, khi mức tăng trưởng việc làm tại Mỹ đang chững lại, tăng trưởng kinh tế tại khu vực đồng euro cũng vậy và kinh tế Nhật Bản tiếp tục đình đốn.

Thậm chí tình hình còn tồi tệ hơn khi thòng lọng đang siết chặt ba nền kinh tế lớn này và chính phủ của họ ngày càng ít các lựa chọn chính sách.
Theo báo Thư tín địa cầu (Canada), ngày càng khó dự đoán sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong tương lai sẽ xuất phát từ đâu khi mức tăng trưởng việc làm tại Mỹ đang chững lại, và tăng trưởng kinh tế tại khu vực đồng euro cũng vậy trong khi kinh tế Nhật Bản tiếp tục đình đốn.

Tuy có nói về tầm quan trọng của Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil như các động lực mới của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng nhanh đến đâu nếu không có ít nhất là một trong những nền kinh tế phát triển nhất thế giới tham gia tiến trình này? Thậm chí tình hình còn tồi tệ hơn khi thòng lọng đang siết chặt ba nền kinh tế lớn này trong khi chính phủ của họ ngày càng ít các lựa chọn chính sách.

Tại Mỹ, hầu như tất cả mọi người, trừ Tổng thống Barack Obama, đều nhận ra rằng không nên có thêm các biện pháp kích thích tài chính.

Lựa chọn chính sách thực tế là mức độ hãm phanh tài chính và kiểm soát mức thâm hụt ngân sách kỷ lục của Washington. Bởi vì, do không có đủ tiền cho các chương trình kích thích tài chính mới, Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ phải tiếp tục in thêm tiền cho lần nới lỏng định lượng lần thứ ba và có thể cả lần thứ tư.

Những biện pháp này có thể khiến giá trị của đồng USD xuống mức thấp kỷ lục mới. Không giống với các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như Canada và Đức, khu vực xuất khẩu của Mỹ quá nhỏ so với quy mô của nền kinh tế để có thể một mình gánh trách nhiệm hỗ trợ tăng trưởng. Ngay cả việc nới lỏng định lượng cũng có thể không cân bằng nổi ảnh hưởng của việc hãm phanh tài chính, chắc chắn sẽ phải áp dụng.

Trong khi đó, Liên minh tiền tệ châu Âu với 17 thành viên, đang có nguy cơ tan vỡ như một bước ngoặt sai lầm trong lịch sử châu Âu hậu chiến tranh.

Sự khoan dung của những người đóng thuế Đức cũng xuống thấp như khả năng thanh khoản của thị trường trái phiếu chính phủ Hy Lạp. Hầu hết người Đức cho rằng việc cứu trợ Đông Đức đã là quá đủ đối với họ. Hy Lạp sẽ không còn khả năng trả nợ.

Nhưng không giống với những lần vỡ nợ trước đây, lần vỡ nợ này sẽ tác động đến cả khu vực đồng euro, và làm thêm một số "trái táo sâu cũng rơi khỏi cành." Các thị trường tài chính gắn kết với nhau sẽ sớm thấy điều này. Người Đức sẽ không còn bị buộc phải cứu trợ các nước yếu kém về tài chính như Hy Lạp. Nhưng nếu không có những nước đang bị khủng hoảng về nợ công như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland, Italy và Hy Lạp quấy rầy đồng euro, nước Đức cũng sẽ mất đi đồng tiền giá rẻ của họ.

Là nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, một đồng tiền giá rẻ đối với kinh tế Đức quan trọng hơn nhiều so với kinh tế Mỹ. Triển vọng đối với kinh tế Đức và kinh tế Mỹ sẽ ngày càng trở nên tồi tệ./.

Thanh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục