"Viện Kiểm sát cần tăng trách nhiệm công tố, giảm oan sai"

Chủ tịch nước đã chỉ đạo ngành kiểm sát cần giải pháp tăng cường trách nhiệm công tố để giảm hiện tượng oan sai.
"Viện Kiểm sát cần tăng trách nhiệm công tố, giảm oan sai" ảnh 1Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chỉ đạo ngành kiểm sát cần thực hiện nhiều giải pháp tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp để giảm bớt hiện tượng oan sai, án cải sửa.

Phát biểu chị đạo tại buổi làm việc sáng 24/12 với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ở Hà Nội, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương Trương Tấn Sang cho rằng nhìn lại năm qua, toàn ngành kiểm sát đã thực hiện được khối lượng công việc rất đáng hoan nghênh, ghi nhận.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch nước yêu cầu ngành kiểm sát cần chú trọng giữ gìn kỷ cương phép nước nghiêm minh; thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp.

Trong đó, trước mắt, ngành tập trung vào việc khắc phục những hạn chế, thiếu sót của năm 2013 đồng thời đề ra các biện pháp đổi mới để thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo các nghị quyết của Quốc hội về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp.

Chủ tịch nước gợi mở, ngành kiểm sát cần thực hiện nhiều giải pháp tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp để giảm bớt hiện tượng oan sai, án cải sửa; đẩy mạnh các hoạt động xây dựng dự án như Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và công tác tuyên truyền; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện làm việc cho viện kiểm sát các cấp; đẩy mạnh thực hiện các đề án cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức trong ngành.

Chủ tịch nước căn dặn, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cần đẩy mạnh tiến độ và xử lý nghiêm minh các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng; nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa; tăng cường đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự; thực hiện tốt nhiệm vụ đầu mối tương trợ tư pháp về hình sự.

Mặt khác, viện kiểm sát các cấp cần tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về "Một số vấn đề xây dựng Đảng hiện nay" và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh."

Cũng tại buổi làm việc, báo cáo với Chủ tịch nước về triển khai thực hiện công tác của ngành kiểm sát, lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao nêu rõ, năm 2013, ngành kiểm sát đã tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra và gắn công tố với hoạt động điều tra.

Ngành đã nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, bảo đảm việc truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Viện kiểm sát cũng đã thực hiện tốt công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; trách nhiệm công tố trong giai đoạn điều tra đã được đề cao, tiến độ giải quyết án nhanh; chất lượng các quyết định truy tố đảm bảo đúng quy định pháp luật, tỷ lệ giải quyết án đạt 98,7%.

Trong năm 2013, ngành kiểm sát đã thực hiện vượt 4/4 chỉ tiêu cơ bản mà Nghị quyết số 37 của Quốc hội đã đề ra; trong đó đã kiểm sát 100% các vụ án ngay khi khởi tố; tỷ lệ truy tố luôn đúng thời hạn đạt 99,94%, vượt chỉ tiêu 9,94%; tỷ lệ truy tố đúng tội danh đạt 99,7%, vượt chỉ tiêu 4,7%; tỷ lệ kháng nghị các loại án được tòa án chấp nhận đạt 84,3%, vượt chỉ tiêu 14,3%.

Năm 2013, Viện kiểm sát các cấp cũng đã thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm. Đặc biệt, ngành kiểm sát đã tập trung trí tuệ, đề cao trách nhiệm tham gia góp ý vào sửa đổi Dự thảo Hiến pháp năm 1992, nhất là chế định Viện Kiểm sát Nhân dân; hoàn thành các đề án về cải cách tư pháp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất về chế độ chính sách của ngành...

Tuy nhiên, lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng đánh giá quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thời hạn điều tra, xử lý một số vụ án về kinh tế, tham nhũng còn để kéo dài, xét xử mức án chưa nghiêm, chưa được kháng nghị kịp thời. Chất lượng tranh tụng của Viện kiểm sát tại phiên tòa chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm chưa cao, số đơn tồn đọng còn nhiều./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục