Việt kiều tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc

Chương trình "Ký ức chiến tranh và khát vọng hoà bình" tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã làm xúc động sâu sắc nhiều bạn trẻ Việt kiều.

Những gì được mắt thấy tai nghe tại một nơi từng là chiến trường khốc liệt nhất trong chiến tranh - tỉnh Quảng Trị - đã làm xúc động sâu sắc nhiều bạn trẻ Việt kiều và các vị khách nước ngoài tham dự chương trình "Ký ức chiến tranh và khát vọng hoà bình" được tổ chức để tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Trong đoàn thanh niên Việt kiều về dự Trại hè Việt Nam 2009, em Dương Thị Như Hoa, Việt kiều Bỉ ngậm ngùi: "Chúng em đang tận hưởng độ tuổi 20 đẹp nhất của cuộc đời, trong khi vào thời đó, cũng ở lứa tuổi ấy, các anh đã dành trọn tuổi trẻ của mình cho khát vọng của dân tộc là giành độc lập, thống nhất đất nước”.

Rời Việt Nam đi từ khi mới ba tuổi nhưng Hoa đã 5 lần về thăm quê hương và những gì cảm nhận được đủ để em “tự hào về lịch sử Việt Nam, khâm phục ý chí quật cường, sự hy sinh vô bờ và khát vọng hoà bình của dân tộc Việt”, cũng như mong muốn “được làm một điều gì đó” cho quê hương.

“Sở hữu” tới 72 nghĩa trang, nhiều nhất cả nước, Quảng Trị những ngày này tràn ngập không khí linh thiêng, khi cả nước đều hướng về các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh hay những người thương binh đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường trong cuộc chiến tranh giành độc lập cho đất nước.

Cho đến nay vẫn không thể thống kê chính xác có bao nhiêu liệt sĩ đã nằm lại mảnh đất này, chỉ biết rằng xã nào ở Quảng Trị cũng có rất nhiều người hy sinh. Tính riêng ở Thành cổ Quảng Trị, có tài liệu đã ghi hơn 15.000 liệt sĩ, nhưng đến giờ cũng chỉ có chưa đầy 1.000 nấm mồ được quy tập, hầu hết là vô danh.

Sự khốc liệt của chiến tranh dường như hằn sâu trong ký ức những người may mắn còn sống. Với đại tá Trịnh Ngự, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1, trung đoàn 9, Sư đoàn 304 - đơn vị đầu tiên đánh chiếm thành cổ Quảng Trị vào đêm 30/4/1972, bom đạn một thời như còn nguyên nỗi ám ảnh: “Bước qua cửa lựu đạn nổ, mở ngăn kéo lựu đạn nổ, kéo bàn lựu đạn nổ, đâu đâu cũng có lựu đạn”.

Nhưng người cựu binh này cũng rất đỗi tự hào vì “không biết bao nhiêu người đã hy sinh để sáng ngày 1/5/1972, quân đội Việt Nam cắm cờ trên nóc dinh tỉnh trưởng Quảng Trị". Sự hy sinh này đã góp phần vào thắng lợi của Hiệp định Paris năm 1973 và Đại thắng mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước - chiến thắng làm cả thế giới khâm phục.

Phát biểu tại Đại lễ tưởng niệm các liệt sỹ tại Quảng Trị nhân dịp này, Đại sứ Algeria nhận xét Việt Nam là tấm gương cho phong trào giải phóng dân tộc toàn thế giới và các liệt sỹ đã đổ máu không chỉ vì nền độc lập của Việt Nam mà còn vì tự do của những người bị áp bức trên thế giới.

“Họ có thể không được chứng kiến Tổ quốc ngày tự do thống nhất, nhưng có thể tin rằng đất nước mà họ hy sinh để giành độc lập đang phát triển trên những mặt trận mới, phát triển kinh tế và hội nhập với thế giới”, Đại sứ nói.

Bà Xiomara Perez, Phó Đại sứ Cộng hoà Panama thì cho rằng đây là “những cái chết cho một đất nước hồi sinh".

Sự hồi sinh, phát triển, hội nhập này cũng đang rất cần những tấm lòng khát khao hướng về quê hương, cội nguồn của những bạn trẻ Việt kiều như Hoa hay như Thuỳ Dung (Việt kiều Séc), người có mong muốn học thật giỏi để “khẳng định trí tuệ người Việt Nam trước bạn bè thế giới” và nhất là học tiếng Việt để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, để tham gia giao lưu nhiều hơn nữa với các bạn thanh niên trong nước, cùng nhau góp sức xây dựng đất nước giàu mạnh hơn.

Chương trình “Ký ức chiến tranh và khát vọng hoà bình” được Tổng Cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và tỉnh Quảng Trị tổ chức, từ ngày 24 đến 26/7./.
Ngọc Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục