Việt Nam cải thiện môi trường lao động cho người khuyết tật

Việt Nam đã phối hợp với Australia tổ chức buổi tọa đàm quốc tế với chủ đề “Tạo việc làm và hỗ trợ môi trường lao động cho người khuyết tật” tại Geneva, Thụy Sĩ
Việt Nam cải thiện môi trường lao động cho người khuyết tật ảnh 1Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN)

Ngày 2/3, bên lề Hội nghị cấp cao khóa 31 Hội đồng Nhân quyền (Hội đồng Nhân quyền) Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, Việt Nam đã phối hợp với Australia tổ chức buổi tọa đàm quốc tế với chủ đề “Tạo việc làm và hỗ trợ môi trường lao động cho người khuyết tật.”

Tham dự sự kiện này có Báo cáo viên đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền về quyền của người khuyết tật, đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Diễn đàn người khuyết tật Thái Bình Dương, đại diện hơn 40 nước và tổ chức quốc tế và nhiều tổ chức phi chính phủ.

Thứ trưởng Ngoại giao Hà̀ Kim Ngọc, trưởng đoàn Việt Nam dự Hội nghị cấp cao Hội đồng Nhân quyền, phát biểu khai mạc tọa đàm; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Nguyễn Trung Thành đồng điều phối tọa đàm.

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho rằng mặc dù có nhiều tiến bộ đáng kể trong việc nâng cao nhận thức và xây dựng chính sách bảo đảm quyền của người khuyết tật trên phạm vi toàn cầu, nhưng người khuyết tật vẫn gặp muôn vàn khó khăn, nhất là để tìm kiếm một công việc phát huy được hết tiềm năng của họ.

Người khuyết tật gặp không ít rào cản trong tiếp cận giáo dục, cơ hội tìm việc cũng như khó khăn tại môi trường làm việc. Để khắc phục những rào cản này,

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh cần tập trung vào xây dựng chính sách bảo đảm tiếp cận cơ hội việc làm và môi trường làm việc cho người khuyết tật; cải thiện cơ sở hạ tầng, các phương tiện công cộng để bảo đảm tiếp cận cho người khuyết tật và hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề nghiệp cho người khuyết tật.

Thứ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường làm việc cho người khuyết tật trong quá trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời khẳng định Việt Nam đã và đang nỗ lực hết sức để bảo đảm tốt hơn quyền của người khuyết tật, hiện chiếm 7,8% dân số của Việt Nam.

Tại tọa đàm, Đặc phái viên Nhân quyền của Australia, Báo cáo viên đặc biệt về quyền của người khuyết tật và các diễn giả chia sẻ về những thách thức người khuyết tật phải đương đầu để thực hiện quyền làm việc, trong đó có khó khăn về tiếp cận cơ hội việc làm, tìm kiếm được công việc phù hợp, tình trạng phân biệt đối xử ở nơi làm việc...

Đại diện của ILO nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp, trong khi đại diện các nước thảo luận về biện pháp để người khuyết tật có khả năng phát huy tiềm năng trong công việc, trong đó nhấn mạnh về các biện pháp pháp lý, các chính sách hỗ trợ người khuyết tật, cũng như việc nâng cao nhận thức về bảo đảm quyền làm việc của người khuyết tật.

Các nước tham gia tọa đàm đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và Australia trong việc tổ chức tọa đàm với chủ đề thiết thực này, nhất là trong bối cảnh kỷ niệm 10 năm thông qua Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật.

Cũng bên lề Hội nghị cấp cao Hội đồng Nhân quyền, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Guatemala Carlos Raul Monrales Moscoso, Đặc phái viên Nhân quyền Australia Philip Ruddock và Thứ trưởng Ngoại giao, thành viên Quốc hội Nhật Bản Masakazu Hamachi.

Tại các cuộc tiếp xúc, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc và các đối tác trao đổi về các vấn đề hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước, đồng thời trao đổi về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực quyền con người, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quyền con người tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là tại Hội đồng Nhân quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục