Việt Nam cam kết dài hạn trong công tác phòng chống dịch bệnh

Nằm trong khu vực có nguy cơ cao về các bệnh lây nhiễm, truyền nhiễm, Việt Nam đang dần chuyển dịch theo hướng áp dụng phương pháp tiếp cận “Một sức khỏe” để phòng chống dịch bệnh.
Việt Nam cam kết dài hạn trong công tác phòng chống dịch bệnh ảnh 1Tiêm vắcxin phòng bệnh cho trẻ em. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 3/2 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị quốc gia "Một sức khỏe" lần thứ 3, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế tổ chức, nhằm cập nhật tình hình, đánh giá tổng kết các nguy cơ liên quan đến dịch bệnh lưu hành trong và ngoài Việt Nam phát sinh trong mối tương tác con người-động vật-môi trường, cùng nỗ lực phòng ngừa, chuẩn bị, phát hiện và ứng phó với các nguy cơ này.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám, thời gian qua, với sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã dành những nỗ lực cao nhất, phối hợp cùng các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhằm ngăn chặn nguy cơ đại dịch gây ra bởi cúm gia cầm H5N1.

Cùng với nỗ lực phòng chống cúm gia cầm được duy trì trong nhiều năm qua, các hoạt động của đối tác đã mở rộng hội thảo theo hướng giải quyết nhiều nguy cơ bệnh truyền nhiễm mới nổi khác.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng dù cuộc họp diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh cấp bách hay trong thời kỳ ổn định đều cần có cam kết mang tính dài hạn cho công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm ở người và động vật.

Các cam kết đều có những cơ hội đi kèm với thách thức nhất định. Thách thức của thời điểm hiện tại là làm sao có thể duy trì các nỗ lực dài hạn và giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe động vật hoang dã và sinh thái nông nghiệp có nguy cơ làm phát sinh dịch bệnh mới.

Theo bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, Việt Nam đã có những tiến bộ rõ rệt nhưng vẫn cần xây dựng một cơ chế phối hợp tiếp cận mang tính chiến lược phù hợp với kế hoạch và lộ trình hành động của "Một sức khỏe."

"Một sức khỏe" là phương pháp tiếp cận lồng ghép đòi hỏi sự hợp tác và trao đổi thông tin đa ngành, đa lĩnh vực để giải quyết những dịch bệnh phát sinh do sự tương tác giữa động vật, con người và hệ sinh thái, gây đe dọa tới sức khỏe con người và động vật.

Việt Nam hướng tới việc tập hợp các tác nhân liên quan chính từ nhiều ngành và lĩnh vực nhằm xác định các nguy cơ tiềm tàng đối với sức khỏe cộng đồng liên quan đến bệnh truyền nhiễm, từ đó thực hiện các biện pháp phối hợp phòng ngừa và kiểm soát thống nhất.

Việt Nam đã triển khai tích cực, hiệu quả các hoạt động phối hợp liên ngành như thành lập các ban chỉ đạo, ban hành Thông tư liên Bộ 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT giữa Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về hướng dẫn phối hợp phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Kinh nghiệm của quốc tế cho thấy rằng kết quả bền vững của "Một sức khỏe" đòi hỏi cách tiếp cận đa ngành, không chỉ trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe con người và động vật, mà nó phải bao gồm cả các đối tác khác trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên, sức khỏe hệ sinh thái và các bộ ngành liên quan đến quy hoạch phát triển.

Những căn bệnh lây lan từ động vật sang người như Ebola, cúm gia cầm có thể gây hậu quả nghiêm trọng, nhanh chóng và sâu rộng đến sức khỏe con người, sinh kế, an ninh lương thực và phát triển kinh tế.

Việt Nam nằm trong khu vực có nguy cơ tương đối cao về các bệnh lây nhiễm mới, mới nổi và các bệnh truyền nhiễm tái diễn của người, vật nuôi, động vật hoang dã.

Trước những hiểm họa từ các căn bệnh mới và mới nổi, Liên hợp quốc đã kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa việc chăm sóc sức khỏe con người, động vật và hệ sinh thái theo khuôn khổ tiếp cận thống nhất "Một sức khỏe."

Tại hội nghị, các ý kiến được đưa ra thảo luận cũng nhằm phát triển mối quan hệ đối tác "Một sức khỏe" để mở rộng thêm nhiệm vụ và phạm vi của Đối tác phòng chống cúm gia cầm và cúm ở người.

Mối quan hệ đối tác này sẽ giúp cho lĩnh vực, ban ngành khác nhau cùng phối hợp xác định những rủi do tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng liên quan đến các bệnh truyền nhiễm từ động vật; cũng như nhằm điều chỉnh và phối hợp tốt hơn trong công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh lây lan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục