Việt Nam cam kết thực hiện bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ

Theo Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam ở LHQ, thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ là nhân tố quan trọng trong phát triển của Việt Nam.
Việt Nam cam kết thực hiện bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ ảnh 1Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Từ 13-15/10, tại trụ sở chính của Liên hợp quốc ở thành phố New York của Mỹ, Ủy ban về các vấn đề văn hóa, xã hội và nhân đạo của Liên hợp quốc đã tổ chức phiên thảo luận về Đề mục “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” trong chương trình nghị sự của Đại Hội đồng Liên hợp quốc Khóa 69, với sự tham dự của đông đảo các đại diện đến từ 193 quốc gia thành viên.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, phát biểu khai mạc phiên thảo luận, Chủ tịch Đại Hội đồng  Liên hợp quốc Khóa 69 Sam K. Kutesa đánh giá cao những nỗ lực của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế sau gần 20 năm thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động của Hội nghị thế giới lần thứ tư về phụ nữ (Hội nghị Bắc Kinh).

Tuy nhiên, bất bình đẳng, phân biệt đối xử và bạo lực vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, cản trở phụ nữ đóng góp cho quá trình phát triển bền vững cũng như ngăn cản họ được hưởng lợi từ quá trình này.

Ông Kutesa cho biết tăng cường bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ sẽ là một trọng tâm của Khóa họp 69 Đại Hội đồng  Liên hợp quốc.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Chủ tịch Ủy ban Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW) cũng nhấn mạnh vai trò trung tâm của phụ nữ trong các nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.

Đại diện các cơ quan này khẳng định các mục tiêu về phụ nữ của Chương trình Nghị sự Phát triển sau 2015, bao gồm các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) cần bao quát và rộng lớn hơn các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDG).

Trong khi đó, đại diện nhiều quốc gia cho rằng dù có nhiều tiến bộ, nhưng phụ nữ và trẻ em gái vẫn là nạn nhân của tình trạng phân biệt đối xử, bạo lực tình dục, buôn bán người và gánh chịu nhiều tác động tiêu cực từ các cuộc xung đột, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng lương thực, năng lượng, biến đổi khí hậu...

Nhiều đại biểu nhấn mạnh nam giới đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử, bạo lực đối với phụ nữ; giáo dục và y tế là các yếu tố quan trọng trong nâng cao vị thế của phụ nữ; nhấn mạnh bình đẳng giới phải là trọng tâm của Chương trình Nghị sự Phát triển sau 2015.

Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ trong phát triển bền vững, khẳng định thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ là nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam.

Đại sứ đã giới thiệu về hệ thống chính sách, pháp luật và các chương trình, thành tựu quan trọng của Việt Nam về bình đẳng giới, tăng quyền cho phụ nữ, phòng chống bạo lực gia đình, bảo đảm y tế, giáo dục, việc làm cho phụ nữ, hoàn thành MDG trong lĩnh vực này.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga khẳng định cam kết của Việt Nam đối với việc thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Bắc Kinh và CEDAW, đồng thời bày tỏ mong muốn cộng đồng quốc tế sẽ có cách tiếp cận mới để giải quyết toàn diện các thách thức hiện nay và thúc đẩy sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và hiệu quả của phụ nữ trong tất cả hoạt động chính trị, kinh tế và xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục