Việt Nam cần áp dụng ‘bản đồ hiện trạng chất thải rắn hàng ngày'

Việt Nam cần áp dụng ‘bản đồ hiện trạng chất thải rắn hàng ngày’

Dữ liệu từ "bản đồ hiện trạng chất thải rắn hàng ngày" sẽ hỗ trợ cho quá trình ra quyết định đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn, cũng như xây dựng chính sách quản lý và xử lý chất thải hiệu quả.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: PV/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: PV/Vietnam+)

Nhận định rác thải rắn đang tăng đột biến nhưng phương thức quản lý và xử lý rác thải còn khá hạn chế, nhiều bãi chôn lấp rơi vào tình trạng quá tải, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe cộng đồng, giới chuyên gia cho rằng một trong những giải pháp cần thiết hiện nay là áp dụng “bản đồ hiện trạng chất thải rắn hàng ngày” ở quy mô đô thị và công nghiệp để giám sát.

Theo bà Trần Hoàng Anh, chuyên gia của Tổ chức Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE), thách thức lớn của Việt Nam là lượng rác thải rất lớn, trong khi công nghệ xử lý vẫn chưa tương xứng. Chỉ riêng giai đoạn từ năm 2015-2019, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng rác thải rắn thu gom đã tăng gấp đôi từ mức 32,4 nghìn tấn/ngày lên 65 nghìn tấn/ngày.

Trong số đó, có tới 35,6 nghìn tấn/ngày (hơn 50%) đến từ các đô thị; khoảng 28,4 nghìn tấn/ngày từ khu vực nông thôn, dù dân số nông thôn cao gấp hai lần đô thị.

[Giám sát rác thải nhựa ven biển bằng ảnh máy bay không người lái]

Nếu chỉ tính 5 thành phố trực thuộc trung ương (gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ), thì tổng lượng rác thải đô thị đã chiếm tới 40% (riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thải ra 16.000 tấn rác mỗi ngày).

Vì thế, Chính phủ đã đặt mục tiêu tới năm 2025 tăng tỷ lệ xử lý này lên 90% với rác thải ở đô thị và 85% ở khu vực nông thôn, phấn đấu xử lý 100% vào năm 2050.

Tuy nhiên, hiện nay, phương thức quản lý và xử lý rác thải áp dụng vẫn còn khá hạn chế. Các công nghệ xử lý rác thải rắn, nhất là công nghệ phát điện từ rác còn gặp nhiều thách thức, khiến phương pháp xử lý chủ yếu hiện nay vẫn là chôn lấp.

Thực tế, nhiều bãi chôn lấp rơi vào tình trạng vượt công suất nên khó tuân thủ được các điều kiện bảo vệ môi trường, gây ra nhiều hệ lụy tương đối nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe như ô nhiễm nước ngầm, ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí...

Minh chứng rõ thấy là theo kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2013, đến hết 2019, Việt Nam phải xây dựng được 229 cơ sở xử lý rác, nhưng tính đến cuối 2021, cả nước mới chỉ có 85% số cơ sở được hoàn thành - tức là còn tới 65 cơ sở vẫn đang trong quá trinh xây dựng, trong đó gồm 31 bãi chôn lấp.

Trước thực tế trên, VIETSE đã tiến hành nghiên cứu các giải pháp nhằm tối ưu hóa tiềm năng chất thải rắn của quốc gia. Một trong những công cụ quan trọng nhất, đó là bản đồ chất hiện trạng thải rắn hàng ngày ở quy mô đô thị và công nghiệp.

Theo bà Hoàng Anh, kho dữ liệu này (bản đồ chất hiện trạng thải rắn hàng ngày) được xây dựng trên phạm vi toàn quốc và thực hiện bằng phương pháp nội suy dựa trên số liệu điều tra về lượng chất thải rắn phát sinh hàng ngày tính trên đầu người tại các tỉnh, thành và số liệu điều tra dân cư cấp xã. Các kết quả phân tích được trực quan hóa trên hệ thống tin địa lý GIS.

Hệ thống bảng tin (dashboard) của bản đồ gồm có 4 hạng mục chính về quản lý chất thải rắn y tế, xây dựng và công nghiệp; quản lý các cơ sở xử lý rác thải; các hoạt động thu gom và xử lý rác thải; chất thải rắn sinh hoạt.

Ngoài khả năng cung cấp dữ liệu linh hoạt theo yêu cầu người dùng, hệ thống này còn dễ dàng chia sẻ dữ liệu tới nhiều người dùng trên nền tảng điện toán đám mây của Google, dễ dàng cập nhật dữ liệu từ xa, cung cấp khả năng cùng thao tác chỉnh sửa bởi nhiều người dùng tại một thời điểm, cung cấp các công cụ phân tích,…

Hệ thống thông tin GIS về tiềm năng chất thải rắn tại Việt Nam sẽ góp phần nhận diện tiềm năng tương lai của lĩnh vực này trong quá trình chuyển dịch năng lượng với các mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ khí hậu.

“Công cụ này sẽ hỗ trợ cho quá trình ra quyết định đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn, cũng như xây dựng chính sách quản lý và xử lý chất thải một cách hiệu quả, hiện thực hóa phương châm “rác là tài nguyên,” qua đó, đóng góp vào sự phát triển của ngành năng lượng và bảo vệ môi trường,” bà Trần Hoàng Anh nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục